Hà Nội: Gỡ vướng trong việc chi hỗ trợ an sinh xã hội với nhóm lao động tự do

Để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội vừa có Văn bản số 4899/SLĐTBXH-VLATLĐ hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đối với người lao động tự làm và làm việc tại các hộ kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đề nghị các đơn vị xét duyệt cho họ nếu đây là công việc đem lại nguồn thu nhập chính mà bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, các đối tượng này phải đáp ứng đúng quy định tại Điều 5 của Quyết định số 3642/QĐ-UBND.

Điều 5 của Quyết định số 3642/QĐ-UBND quy định rõ, đối tượng lao động được hỗ trợ là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố; người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền (trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng). Điều kiện hỗ trợ là người lao động phải cư trú hợp pháp trên địa bàn Thành phố, bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

Hà Nội: Gỡ vướng trong việc chi hỗ trợ an sinh xã hội với nhóm lao động tự do
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội trao hỗ trợ cho lao động tự do trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Về nhóm lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động làm việc có ký kết hợp đồng lao động, nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội trong các hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố để trình Bộ LĐ-TB&XH xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ với đối tượng này để thống nhất áp dụng trên toàn quốc.

Đối với các trường hợp chưa đủ thời gian cư trú hợp pháp, Sở nêu rõ, người lao động tự do ngoại tỉnh được xem xét hỗ trợ theo quy định nếu đáp ứng đúng quy định tại Điều 5 của Quyết định số 3642/QĐ-UBND.

Ví dụ, người lao động tự do ngoại tỉnh đến cư trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vào ngày 22/7/2021 và đến ngày 24/7/2021 thì toàn Thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nghĩa là người lao động mới cư trú được 2 ngày ở quận Hoàn Kiếm trước thời điểm giãn cách. Nhưng tính đến nay (26/8/2021), người lao động đã cư trú được hơn 1 tháng, nên họ thuộc diện được xem xét hỗ trợ.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, đến nay, toàn Thành phố đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 9 nhóm trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Hiện tại, còn 3 nhóm chưa có kết quả phê duyệt hỗ trợ do chưa nhận được hồ sơ của đối tượng, gồm: Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật.

Trong quá trình thực hiện, nếu tiếp tục có khó khăn, vướng mắc, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã phản ánh kịp thời về Sở LĐ-TB&XH Hà Nội để tổng hợp, xem xét giải quyết.

Ngoài việc giải đáp trực tiếp, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng hướng dẫn, trong quá trình triển khai, các quận, huyện, thị xã có thể tra cứu nội dung hỏi – đáp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB&XH.

P.Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích