Gỡ vướng về thực hiện pháp luật lao động

Trang bị kiến thức pháp luật cho người sử dụng lao động

Tham dự hội nghị có trên 130 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Dân – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, chính sách pháp luật lao động, BHXH có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của quan hệ lao động. Điều này dẫn đến thực tế là trong quá trình thực thi pháp luật lao động, BHXH tại các doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi những tình huống khó khăn, vướng mắc.

Do đó, việc Sở LĐTBXH Hà Nội chủ động tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến và giải đáp kiến thức pháp luật về lao động, BHXH là hoạt động hết sức cần thiết, nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định, góp phần để doanh nghiệp phát triển.

Gỡ vướng về thực hiện pháp luật lao động
Quang cảnh hội nghị.

Trên tinh thần đó, tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã được nghe hai chuyên gia là bà Nguyễn Thị Oanh – Phó Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – BHXH, Sở LĐTBXH Hà Nội và bà Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Truyền thông BHXH thành phố Hà Nội cung cấp những kiến thức pháp luật hữu ích, thông qua việc đối thoại, hướng dẫn xử lý các tình huống thường gặp về chính sách lao động, BHXH.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Oanh đã đưa ra những tình huống về chính sách lao động, đồng thời hướng dẫn cách xử lý các tình huống đó, chẳng hạn như các tình huống: ký hợp đồng thử việc, ký thỏa thuận hạn chế, ký hợp đồng với người cao tuổi, thay đổi cơ cấu, công nghệ, kỷ luật lao động, giải quyết quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng lao động, đóng BHXH bắt buộc, giải quyết quyền lợi cho người lao động trong những ngày nghỉ điều trị bệnh…

Trưởng phòng Truyền thông BHXH thành phố Hà Nội Dương Thị Minh Châu cũng đã hướng dẫn xử lý các tình huống về BHXH đối với từng trường hợp cụ thể. Trước câu hỏi về vấn đề đơn vị nợ tiền đóng BHXH, người lao động không chốt được sổ, không liên lạc được với công ty thì có thể tự đóng BHXH cho thời gian công ty nợ đóng BHXH được không, bà Minh Châu phản hồi: Việc người lao động không tìm được công ty thì không thuộc thách nhiệm của cơ quan BHXH. Công ty chưa đóng mã với cơ quan BHXH thì có nghĩa vẫn còn sử dụng lao động.

Với những trường hợp cơ quan BHXH đưa vào các danh mục các đơn vị không xác định được nơi tham gia cũng như là chủ sử dụng lao động thì người lao động chỉ nên chốt BHXH đến thời điểm doanh nghiệp đóng đủ. Người lao động không thể tự tách đóng đủ BHXH cho mình vì cơ quan BHXH chỉ làm việc với chủ sử dụng lao động.

Hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Về câu hỏi người lao động cùng lúc ký kết nhiều hợp đồng lao động thì đóng BHXH căn cứ vào hợp đồng lao động nào có lương cao, bà Minh Châu phản hồi: Đóng BHXH không phải căn cứ vào hợp đồng lao động nào có lương cao, mà theo hợp đồng lao động đầu tiên. Tuy nhiên, bà lưu ý: Khi người lao động ký nhiều hợp đồng lao động thì bắt đầu từ hợp đồng thứ hai trở đi (ngoài việc không phải tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, khi hợp đồng đầu tiên vẫn còn hiệu lực) phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Còn đóng bảo hiểm y tế thì sẽ đóng theo hợp đồng có mức lương cao nhất.

Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ dẫn đến chấm dứt hợp đồng lao động, đang là vấn đề nóng được nhiều đại diện công ty quan tâm. Về nội dung này, bà Nguyễn Thị Oanh cho biết: Khoản 2 Điều 44 Bộ luật Lao động quy định, khi xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Tuy nhiên, do công ty không có tổ chức Công đoàn thì tổ chức đối thoại vụ việc theo quy định. Tại Khoản 3 Điều 63 Bộ luật Lao động quy định về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc có quy định trường hợp doanh nghiệp tiến hành thay đổi cơ cấu công nghệ thì buộc phải tổ chức đối thoại vụ việc. Quy trình đối thoại vụ việc được quy định cụ thể tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Và, tại Khoản 2 Điều 44 Bộ luật Lao động quy định phương án sử dụng lao động phải được thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.

Theo ghi nhận, đại biểu dự hội nghị đánh giá cao nội dung, phương pháp và những kiến thức thu nhận được tại hội nghị. Hoạt động này của Sở LĐTBXH Hà Nội đã góp phần trang bị, nâng cao kiến thức về pháp luật lao động, BHXH đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách pháp luật lao động, BHXH trong các doanh nghiệp trên địa bàn, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, vì lợi ích doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động.

Phạm Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích