Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật

Phát biểu khai mạc và điều hành hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hội nghị được tổ chức là thực hiện yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo đánh giá tình hình triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 và công tác triển khai các luật, nghị quyết, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong khuôn khổ Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung đánh giá tình hình triển khai thi hành đối với 23 luật và 28 nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Về tình hình triển khai các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, kịp thời thông tin đến cử tri và Nhân dân kết quả các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó giúp các cơ quan, chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp sớm nắm bắt các chính sách mới trong luật, nghị quyết, chủ động phương án, nguồn lực thực hiện.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường các hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn, xem xét báo cáo của Chính phủ và các cơ quan về công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết; đánh giá sâu việc tổ chức thực hiện pháp luật trong một số lĩnh vực cụ thể; chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện luật, nghị quyết.

Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo triển khai rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán…, hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công tác tổ chức thi hành pháp luật; tổ chức 17 phiên họp chuyên đề pháp luật bên cạnh các phiên họp thường kỳ, đề ra nhiều giải pháp đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các ngành, các cấp. Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đều khẩn trương ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết.

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hóa được Chính phủ chú trọng. Từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 15/6/2023, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra đối với 10.504 văn bản, phát hiện và chỉ đạo, tham mưu xử lý đối với 446 văn bản có nội dung trái pháp luật hoặc bất cập, không còn phù hợp. Chính phủ đã phê duyệt kết quả pháp điển đối với 266/271 đề mục, đăng tải công khai Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác, áp dụng pháp luật.

Công tác truyền thông chính sách có nhiều đổi mới; các Bộ, ngành, địa phương cũng có nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chính phủ quan tâm bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng và triển khai, thi hành luật, nghị quyết, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp chế và thi hành pháp luật…

Bên cạnh các kết quả nêu trên, việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với việc triển khai luật, nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm nhưng chưa bảo đảm tính toàn diện. Việc giám sát văn bản quy định chi tiết trong một số trường hợp chưa đánh giá đầy đủ về tính hợp pháp, thống nhất, tính khả thi và hiệu lực của văn bản, chưa bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội.

Công tác tổ chức triển khai của Chính phủ đối với một số luật, nghị quyết còn chậm; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số Bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích