EU cảnh báo vi phạm đối với nông sản Việt: Cần làm gì để xuất khẩu bền vững?

Liên tiếp nhận cảnh báo

Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và châu Âu (EU) thông tin EU vừa đăng công báo quy định mới của EU về các biện pháp khẩn cấp và tạm thời đối với kiểm soát an toàn thực phẩm, hiệu lực sau 20 ngày kể từ ngày đăng công báo là 17/1, tức khoảng ngày 6/2.

1
Sầu riêng xuất khẩu sang EU bị đưa vào diện kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đó, các mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát tại cửa khẩu là ớt chuông, mì ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Như vậy, đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu ngay tại cửa khẩu với tần suất 10%.

Lý do EU đưa ra là dữ liệu từ hệ thống báo cáo các vấn đề an toàn thực phẩm trong EU (RASFF) và thông tin về các biện pháp kiểm soát chính thức do các quốc gia thành viên thực hiện cho thấy sự xuất hiện của những rủi ro mới đối với sức khỏe con người liên quan đến các lô hàng sầu riêng (Durio zibethinus) từ Việt Nam do có thể bị ô nhiễm bởi dư lượng thuốc trừ sâu.

Do đó, cần tăng cường mức độ kiểm soát chính thức đối với việc nhập khẩu mặt hàng sầu riêng từ Việt Nam. Vì vậy, sầu riêng được đưa vào phụ lục I của quy định thực hiện (EU) 2019/1793, với tần suất nhận dạng và kiểm tra thực tế được đặt ở mức 10% các lô hàng vào EU. Thông báo có nêu 2 chủng loại sầu riêng áp dụng quy định này là sản phẩm dạng tươi và dạng mát dùng làm thực phẩm.

Cũng tại quy định này, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II (thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam) với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), chỉ trong 10 tháng năm 2023, EU đã phát đi 3.900 cảnh báo cho tất cả các nước xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Trong đó Việt Nam có gần 60 cảnh báo với 40% cảnh báo về rau quả liên quan đến vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Cũng về vấn đề này, trước đó, ngày 01/9/2023, Ủy ban châu Âu cũng đã công bố Quy định được ủy quyền công bố số 2023/1674 ngày 19 tháng 6 năm 2023, sửa đổi Quy định được ủy quyền (EU) 2021/630 liên quan đến một số chênh lệch và chế phẩm làm đồ uống có chứa ca cao, một số thực phẩm chế biến từ ngũ cốc hoặc các sản phẩm ngũ cốc, một số thực phẩm chế biến sẵn làm từ gạo và các loại ngũ cốc khác, một số loại khoai tây chiên và khoai tây chiên giòn và một số loại nước sốt, gia vị thuộc danh mục sản phẩm tổng hợp được miễn kiểm soát chính thức tại các trạm kiểm soát biên giới và sửa đổi Phụ lục I và III của Quy định được ủy quyền (EU) 2019/2122.

Theo đó, EU quy định bắt buộc kiểm tra tại cửa khẩu nhiều mặt hàng thịt, sữa, mỳ pasta, rau…. Các sản phẩm này được quy định tại điều 2 của Quy định ủy quyền.

Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm

2
Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm những mặt hàng đang là thế mạnh đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.

Mỗi năm EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản, tuy nhiên trong đó chỉ có khoảng 4% từ Việt Nam, cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU.

Với thế mạnh là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, cũng là đất nước được biết đến nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật, hàng Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm những mặt hàng đang là thế mạnh đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU, từ đó là nền tảng để tăng tổng sản lượng hàng nông sản, và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.

Để xuất khẩu bền vững buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững của thị trường.

Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng – Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để nhận được ưu đãi. Đồng thời, cần tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của nước sở tại, thậm chí là thói quen tiêu dùng, sở thích của người dân như hàng hóa thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng, dán nhãn carbon, có chứng nhận tự nguyện về môi trường, đảm bảo về lao động…

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời với việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững EU đặt ra.

Một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam vào EU hiện nay là nông sản. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường này, Bộ Công Thương đã lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang EU cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn… Các quy định nhập khẩu của EU đối với nông sản nói chung và rau quả nói riêng rất khắt khe và thay đổi thường xuyên nên doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu để đáp ứng các quy định đưa ra.

Nhấn mạnh, điều quan trọng nhất hiện nay là uy tín và chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu, ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Asean, cũng lưu ý doanh nghiệp cần phải giữ ổn định chất lượng sản phẩm, các lô hàng phải đồng đều nhau, tránh tình trạng những lô đầu tốt, những lô sau bị kém chất lượng là bị trả về và mất khách hàng.

Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ từ cơ sở sản xuất, từ người nông dân, tới chủ vựa, các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, đơn vị xúc tiến thương mại và cả về phía đối tác nhập khẩu. Từ đó thiết lập một chuỗi cung ứng bền vững, hoạt động trơn tru.

Theo ông Neil Như Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn xuất nhập khẩu Việt Nam – EU, EVFTA là điều kiện thuận lợi nhưng không phải là “biển xanh” giúp doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam vượt qua mọi trở ngại và cũng không phải nhà nhập khẩu EU luôn đứng chờ hàng Việt Nam. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn mới có thể bước vào thị trường EU cũng như tận dụng được ưu đãi từ hiệp định này.

Về việc tìm khách hàng thông qua các hội chợ là phương thức đang được doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phổ biến, song không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Bởi doanh nghiệp trong nước chưa tạo được thị trường để đối tác biết đến, chưa đủ uy tín để tin tưởng.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích