“Đừng đùa” với thuốc nam không rõ nguồn gốc

Nhiễm độc gan vì tự sử dụng thuốc nam

Với tâm lý ngại phải mổ hay phải điều trị bằng thuốc tây, đã hướng không ít bệnh nhân tự ý chuyển sang sử dụng thuốc nam, thuốc bắc, thậm chí là điều trị theo phương pháp dân gian với mong muốn giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Đến khi các triệu chứng nặng lên, người bệnh nhập viện muộn khiến việc điều trị càng thêm khó khăn và tốn kém. Điển hình, vừa qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

“Đừng đùa” với thuốc nam không rõ nguồn gốc
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị tổn thương gan do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Trong đó, bệnh nhân thứ nhất là ông N.N.D (64 tuổi, ở Bắc Giang). Ông D phát hiện viêm gan B cách đây 30 năm. 3 năm gần đây bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng vi rút. Và 5 tháng trở lại đây ông đã uống thuốc nam điều trị viêm gan B. Tuy nhiên 1 tháng gần đây ông D xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, vàng da tăng dần.

Ông D đến cơ sở y tế điều trị, sau 1 tuần ông được xuất viện. Khi về nhà, ông D thấy mệt mỏi hơn, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo. Gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện điều trị. Một ngày sau, ông D được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da và mắt vàng đậm, được bác sĩ chẩn đoán: Suy gan cấp – xơ gan – viêm gan B mạn. Các bác sĩ đã giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh, tiên lượng rất nặng, nguy cơ hôn mê gan.

Bệnh nhân thứ 2 là ông T.N.T (64 tuổi, ở Hưng Yên). Khoảng 3 năm trở lại đây, ông T có uống thuốc nam, bắc và uống từng đợt mỗi năm khoảng 2 đợt. Trước khi nhập viện khoảng 3 tuần, bệnh nhân có uống thuốc nam 10 ngày để điều trị sỏi túi mật. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi ăn uống kém. Bệnh nhân đã nhập viện 2 tuần để điều trị nhưng sau khi ra viện, bệnh nhân lại xuất hiện mệt mỏi. Gia đình đã đưa bệnh nhân nhập Khoa Viêm Gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương để điều trị. Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán theo dõi viêm gan nhiễm độc, có viêm gan cấp.

Trước đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng có điều trị cho một bệnh nhi mới chỉ 3 tuổi ở Thanh Hóa bị ngộ độc chì nặng, nguy kịch, do cha mẹ cho dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh. Qua khai thác bệnh sử, được biết, trẻ có tiền sử mắc bệnh động kinh từ lúc 6 tháng tuổi. Trước khi nhập viện 3 tháng, gia đình thấy trẻ co giật nhiều hơn, nhưng đáng tiếc, thay vì tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh của các bác sĩ chuyên khoa thì gia đình lại tự ý đi mua thuốc nam không rõ nguồn gốc dạng viên về cho trẻ uống.

Khi dùng thuốc, tình trạng co giật của trẻ có giảm hơn, thế nhưng khoảng 1 tháng sau đó trẻ xuất hiện rối loạn hành vi, khóc buồn vô cớ hay kêu đau đầu… Trẻ nhập viện trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái. Sau khi tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và xét nghiệm định lượng chì trong máu, kết quả cho thấy bệnh nhi bị ngộ độc chì rất nặng. Nồng độ chì trong máu trên 100 µg/dL (ngưỡng được chấp nhận là dưới 10 µg/dL). Ngoài ra, trẻ còn thiếu máu nặng và giãn não thất. Mặc dù đã được cấp cứu điều trị tích cực bằng thở máy, chống phù não kết hợp sử dụng thuốc thải chì trong máu… nhưng trẻ vẫn trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.

Không dùng thuốc không rõ nguồn gốc

Trên đây chỉ là ba trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch do tự ý sử dụng thuốc nam không theo chỉ dẫn của bác sĩ và không có nguồn gốc rõ ràng. Hiện, nhiều người dân đã lựa chọn sử dụng thuốc nam, thuốc đông y, bài thuốc dân gian vì cho rằng lành tính, ít tác dụng phụ. Lợi dụng tâm lý này, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, không được kiểm nghiệm chất lượng, không được cấp phép nhưng lại được bán tràn lan, nhất là trên mạng xã hội.

Do đó, người dân cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp điều trị, cảnh giác và tránh xa những lời quảng cáo, chào mời mua các loại sản phẩm thuốc nam, thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng không bảo đảm về nguồn gốc, không có các thông tin đầy đủ, rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế.

Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân khi uống bất kỳ một thứ thuốc gì đều phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, không được uống thuốc hoặc các chế phẩm khi không biết rõ về nguồn gốc. Nếu chẳng may đã uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, tiểu vàng… thì phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đối với trẻ em, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc nam và các loại thuốc không rõ nguồn gốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Riêng với trẻ mắc bệnh động kinh nói riêng và các bệnh mạn tính nói chung, cha mẹ cần phải tuân thủ hướng dẫn điều trị, dùng thuốc và tái khám theo lịch hẹn, không được tự ý ngừng thuốc, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ…

Minh Khuê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích