Doanh nghiệp sẽ làm gì để mở rộng và khai thác thị trường quốc tế?

Nhìn lại 15 năm sau khi gia nhập WTO

Theo kỳ vọng, việc thực thi có hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh hơn, sáng tạo hơn và có sức cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc phần lớn vào việc nâng cao vai trò và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp trong việc mở rộng và chiếm lĩnh thị trường thực thi các FTA đã ký kết.

Nhìn lại quá trình hội nhập và mở cửa thị trường, năm 1986 Việt Nam chỉ có hơn 100 doanh nghiệp (30 doanh nghiệp xuất nhập khẩu), trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước, đến nay, đã có khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong số đó có khoảng trên 600.000 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh. Bắt đầu hội nhập năm 1995 khi xuất khẩu cả nước có 5 tỷ USD/năm nhưng đến nay đã tăng 55 lần. 15 năm sau khi gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng tới 6 lần.

Doanh nghiệp sẽ làm gì để mở rộng và khai thác thị trường quốc tế?
Đến nay, cả nước đã có khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động (Ảnh minh họa: BT)

Tại diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững”, ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, mục tiêu tối thượng của hội nhập kinh tế quốc tế là đàm phán để mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam là một nước đi sau, nhưng là một trong ít nước thành công nhất về đàm phán, mở cửa thị trường.

Tính đến này Việt Nam đã đàm phán, ký kết 15 FTA trong đó có 8 FTA ký kết trong khuôn khổ hợp tác ASEAN nội và ngoại khối (bao gồm các Hiệp định ASEAN ký kết với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Astralia, New Zealand, Hongkong, Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)). Với tư cách là một bên độc lập, Việt Nam đã ký kết 6 FTA với các đối tác: Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á Âu, Liên minh Châu Âu, và Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Với các FTA này, Việt Nam đã khai thông thị trường (với mức thuế thấp nhất, rào cản thị trường bằng không hoặc thấp nhất theo chuẩn quốc tế) của cả 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, và 5 khu vực thương mại lớn nhất thế giới, với gần 100 thị trường với độ mở nền kinh tế khoảng 200%.

Theo cam kết tại các Hiệp định này, các nước cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam với mức cắt giảm theo lộ trình từ 70% đến 100% dòng thuế. Đặc biệt trong 2 FTA thế hệ mới là FTA Việt Nam – EU và CPTPP, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường sâu rộng trên các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm Chính phủ và cả những lĩnh vực nhạy cảm như lao động, môi trường…

“Việc thực thi các FTA với các cam kết sâu rộng và toàn diện sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa dịch vụ qua những cánh cửa thị trường mới mở thông qua việc tận dụng ưu đãi từ những FTA mới ký kết. Có thể thấy, cơ hội và thách thức từ các FTA là song hành và khá rõ ràng, tuy nhiên, các FTA chỉ có thể mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế khi cộng đồng doanh nghiệp có thể phát huy tối đa vai trò và năng lực của mình trong quá trình thực thi các Hiệp định”, ông Trịnh Minh Anh nhận định.

Doanh nghiệp cần làm gì để chiếm lĩnh thị trường?

Chính phủ đã đàm phán mở toang cánh cửa của hàng trăm thị trường lớn, tuy nhiên không ai khác mà chính các doanh nghiệp là chủ thể quan trọng trong việc chiếm lĩnh các thị trường này. Đây vừa là vai trò, vừa là trách nhiệm mà Chính phủ đã trao cho doanh nghiệp để từ đó, doanh nghiệp phát huy năng lực xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… và tận dụng ưu đãi từ các FTA với mục tiêu đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mình và cho cả nền kinh tế.

Thực tế thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp tận dụng được lợi ích từ các cam kết mở cửa thị trường FTA đã ký kết. Theo số liệu của Bộ Công Thương, hàng năm, đã có hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp (bao gồm theo FTA và GSP), với trị giá khoảng 61,19 tỉ USD, với mức tăng khoảng 15% về trị giá và tăng 10% về số lượng bộ C/O hàng năm.

Doanh nghiệp sẽ làm gì để mở rộng và khai thác thị trường quốc tế?
Doanh nghiệp sẽ làm gì để mở rộng và khai thác thị trường quốc tế? (Ảnh minh họa: BT)

Về tỉ lệ tận dụng ưu đãi FTA, Chile chiếm tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ VCFTA cao nhất; đứng tiếp theo là Ấn Độ và Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như ASEAN, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand. Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Nhờ vậy mà trong 2 năm qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt kỷ lục là 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 19%; xuất siêu tới 4 tỷ USD. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã nâng cao được năng lực cạnh tranh, khai thác tốt các thị trường có FTA đã mở, góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Theo Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh, thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến 5 yếu tố để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là, chú trọng khai thác sự chuyển hướng thương mại, dịch chuyển đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc, Hongkong… chúng ta không bao giờ hy vọng thay thế được Trung Quốc, mà chỉ cần đón được 1-2% của sự dịch chuyển này cũng đã là rất tốt.

Đồng thời, chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc. Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu, đối với cả chính ngạch và biên mậu, đối với cả hàng hóa đúng chuẩn và phi chuẩn. Khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA đặc biệt là EU, Hoa kỳ… theo các hướng (Xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp; Ăn theo xu hướng đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu của các tập đoàn, doanh nghiệp của các quốc gia khác).

Hết sức chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm (CO) Hải Quan của các nước có FTA và các cơ quan liên quan của Việt Nam rất chú ý vấn đề này, tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt vấn đề xuất xứ hàng hóa.

Để tận dụng tối đa ưu đãi của 15 FTA, doanh nghiệp cần liên kết chặt trẽ với các ngành, cơ quan chức năng (Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính…). Cần tìm hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình để cố gắng lấp hoặc tham gia lấp đầy các chỗ đứt, gãy của các chuỗi cung ứng này.

Kết quả xuất nhập khẩu đạt được 6 tháng đầu năm 2022

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 28,4%), đạt gần 186 tỷ USD. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 20% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,3%) cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt gần 56 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 43,3%); tiếp đến là Trung Quốc đạt 26,3 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU đạt 23 tỷ USD, tăng 22%; thị trường ASEAN đạt 17,7 tỷ USD, tăng 27,4%; Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 18,5%; Nhật Bản đạt 11,48 tỷ USD, tăng 13,9%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 89%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 5,8%. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích