Đô thị trong dịch bệnh

(Xây dựng) – Những diễn biến của đại dịch Covid – 19 thời gian qua cho thấy, đô thị là nơi dễ bị tổn thương nhất. Trong đó, các chuỗi cung ứng về thực phẩm cho người dân là nơi dễ “bị tấn công” nhất.

do thi trong dich benh
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Chưa bao giờ người dân lại đứng trước những mối lo đối với sức khỏe như bây giờ. Như vụ việc nhân viên của một đơn vị cung ứng thực phẩm ở Hà Nội dương tính với SARS-CoV-2, khiến một loạt cửa hàng VinMart (VinMart là hệ thống siêu thị thuộc Tập đoàn Masan Group) và một số siêu thị phải đóng cửa. Điều đó cho thấy, dịch bệnh hoành hành với những diễn biến phức tạp lại càng khiến những mối lo ấy hiển hiện rõ hơn.

Chính bởi vậy, đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại những gì đã và đang làm để đưa cuộc sống trở về ngưỡng “an toàn” như mong muốn.

Bây giờ, nhìn ngay ở các đô thị, dễ nhận thấy bao mối nguy cứ hiển hiện trước mắt. Cái dễ cảm nhận nhất là các loại thực phẩm mà chúng ta dùng hàng ngày. Suốt một thời gian dài, dường như lĩnh vực này đã bị buông lỏng quản lý, chưa rõ ràng trong chịu trách nhiệm về độ an toàn và chuẩn mực.

Chẳng hạn như những loại “rau sạch, quả sạch”, một thời được ca ngợi như là giải pháp cho an toàn và sức khỏe thì sau một thời gian ngắn, lối tư duy ăn xổi ở thì, chụp giật, liều lĩnh, vô trách nhiệm đã thấm đẫm vào từng luống rau, cây ăn quả. Để rồi những sản phẩm có hình thức “an toàn và sạch” nhưng bản chất thì bẩn và nguy hiểm chẳng kém gì những loại rau bẩn, quả bẩn trước đó. Tất cả các quy định, tiêu chuẩn, quy trình đưa xuống các vùng sản xuất này khi người giám sát “ngoảnh mặt đi” đã lập tức bị bỏ qua, bất chấp hậu quả mà các “thượng đế” ở thành thị phải hứng chịu. Đến hôm nay, những trò làm ăn gian dối, trí trá, vô trách nhiệm, liều lĩnh này vẫn phổ biến trong cách làm của người dân. Nhưng không thấy các cơ quan quản lý có giải pháp gì để cứu hàng triệu triệu “thượng đế” khỏi một quá trình bị tẩm độc từ từ.

Rồi đến các loại gia súc gia cầm đang được ùn ùn đẩy từ mọi miền quê về các đô thị cũng khiến cho người tiêu dùng dù thông minh đến mấy cũng… không thể thông minh được. Mọi siêu thị, chợ bày bán tràn lan các dòng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm kém chất lượng với cái tên chung như gà “công nghiệp”, lợn “công nghiệp”, bò “công nghiệp”, dê “công nghiệp”…

Nguồn nước “sạch” được cấp theo kênh dịch vụ của các nhà máy nước thì hàm lượng chất độc hóa học clo hòa tan trong nước cao gấp nhiều lần mức cho phép, chưa kể đến các hàm lượng khoáng chất khác. Ở những vùng đô thị mới, nước lấy từ nhà máy về dùng sau một thời gian thay bể, nhiều người hoảng hốt phát hiện ra những túi rác các loại từ dây cao su, tóc, rác rưởi theo nguồn nước cấp của nhà máy vào trong bể từ bao giờ.

Tiến bộ hơn một bước là các loại nước khoáng đóng chai, chai nhỏ, chai lớn bán cho các hộ gia đình, sau một thời gian “phát tài” nhờ kinh doanh nước, bây giờ đang bùng nổ thêm rất nhiều các công ty cung cấp nước khoáng đóng chai trên nền tảng triết lý “ăn xổi ở thì”. Kết quả, mỗi lần nhấc điện thoại lên gọi mua nước, nhiều “thượng đế” lại băn khoăn không biết tin vào ai.

Những nỗi ám ảnh của đại dịch đang bao trùm toàn thế giới. Người ta lại nhớ đến những cuộc “dịch chuyển”, trốn chạy văn minh đô thị để ra những ngôi nhà “sinh thái”.

Ở Việt Nam, dịch dã đang hoành hành, Chính phủ và các cấp chính quyền cùng Nhân dân đang nỗ lực hết mình để vượt qua “cơn bĩ cực” này. Những ảnh hưởng rõ nét từ đợt dịch đang khiến người ta nghĩ đến việc cần phải thay đổi thái độ, cách ứng xử với chính môi trường sống của mình. Các đô thị lớn cũng đang là những “nạn nhân” đầu tiên của chính mình bởi sự đông đúc, va chạm hàng ngày. Giảm bớt những hoạt động tiếp xúc, dừng những cuộc tụ tập đông người, đó là thông điệp mà ngành Y tế phát đi để người dân chống dịch bệnh.

Cuộc chiến chống dịch bệnh đang vào hồi căng thẳng. Chính phủ đang có những chỉ đạo quyết liệt và nghiêm khắc. Và lúc này, sự đồng lòng, chung sức là vô cùng cần thiết. Chúng ta có thành công, có đạt được mục tiêu mong muốn hay không, tất cả đều phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm công dân của mỗi người.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích