Điểm sáng nông nghiệp đại điền ở Thái Bình

Cơ chế, chính sách đặc thù

Thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong năm 2021, tỉnh Thái Bình đã ban hành nghị quyết số 40 và nghị quyết số 29 nhằm hỗ trợ, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa và tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021 – 2025.

Mô hình tích tụ ruộng đất trồng hẹ Đài Loan tại xã An Đồng (Quỳnh Phụ) mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần cấy lúa
Mô hình tích tụ ruộng đất trồng hẹ Đài Loan tại xã An Đồng (Quỳnh Phụ) mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần cấy lúa

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thái Bình xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không canh tác. Trong bối cảnh đó, một số nông dân đã mạnh dạn mượn lại ruộng của bà con để tiến hành canh tác, phát triển những cánh đồng quy mô lớn. Vượt qua khó khăn bước đầu, một số mô hình đã có những thành công nhất định, sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương.

Nhận thấy hiệu quả từ các mô hình, nhiều địa phương đã chỉ đạo, vận động nông dân cho người khác thuê ruộng được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; người cho thuê ruộng được hỗ trợ 20kg thóc/sào/năm; tổ chức, cá nhân chủ trì liên kết được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; hộ gia đình, cá nhân tham gia liên kết được hỗ trợ 10kg thóc/sào/năm. Sau khi có chính sách mang tính “kích cầu”, diện tích và số hộ tích tụ theo mô hình đã tăng hơn so với trước.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, năm 2020 diện tích tích tụ, tập trung ruộng đất là 4.348ha với trên 600 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 2ha; trên 100 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 5ha trở lên và có khoảng 50 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 10ha trở lên. Chỉ trong vòng 3 năm, con số (cả diện tích và số hộ tham gia) tích tụ ruộng đất đã tăng lên đáng kể. Hiện có hơn 1.700 hộ dân tích tụ ruộng đất để sản xuất với tổng diện tích gần 6.000ha. Trong đó, hộ tích tụ từ 5ha có 140 hộ, từ 7ha có 120 hộ.

Đặc biệt bằng cách liên kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ máy móc và tiêu thụ sản phẩm, CLB đại điền Thái Bình đã trở thành cầu nối để các thành viên thực hiện khát vọng làm giàu từ nông nghiệp, trên chính mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra.

Bà Trần Thị Lanh, xã Bình Minh (Kiến Xương) – Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: Ngoài việc duy trì gặp mặt 2 lần/năm, CLB tạo lập nhóm facebook, zalo để kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. CLB cũng là cầu nối giữa thành viên với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp thu mua lúa gạo, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Lợi nhuận bình quân của thành viên CLB đạt khoảng 450 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.

CLB đại điền Thái Bình là tổ chức mới, việc ra đời và hoạt động hiệu quả của CLB thể hiện sự thay đổi trong tư duy từ sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp; góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp; giúp các thành viên tiếp cận chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách trong thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất hiện nay của tỉnh Thái Bình.

Chất lượng tạo nên thương hiệu

Việc định hướng và phát triển mô hình đại điền không những giải quyết được vấn đề sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, khó tổ chức sản xuất và tình trạng nông dân bỏ ruộng, mà còn dễ dàng hơn trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, thiết lập các mô hình nông nghiệp hiện đại với lợi nhận cao và bền vững.

Nông nghiệp đại điền cho hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương của tỉnh Thái Bình
Nông nghiệp đại điền cho hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương của tỉnh Thái Bình

Là địa phương đi đầu trong phong trào tích tụ, tập trung ruộng đất, huyện Đông Hưng hiện có hơn 500 hộ tích tụ với diện tích khoảng 1.200ha. Trong đó 67 hộ tích tụ từ 5ha trở lên, 17 hộ tích tụ từ 10ha trở lên. Việc tích tụ ruộng đất đã giúp địa phương này sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, khai thác tối đa lợi thế của tư liệu sản xuất, mà hàng ngàn đời nay vẫn nuôi sống người nông dân.

Lãnh đạo huyện Đông Hưng cho biết: Đa số các hộ tích tụ ruộng đất đã đầu tư, ứng dụng máy móc vào sản xuất như máy cấy, máy gặt, máy sấy, máy làm đất, máy phun thuốc bảo vệ thực vật… các hộ này thực sự đã thay đổi cuộc sống của mình bằng chính nghề nông, góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang trên địa bàn huyện. Nếu như năm 2018, toàn huyện có 400ha diện tích ruộng bỏ hoang thì đến năm 2023 giảm chỉ còn 35ha, chủ yếu ở những vị trí khó canh tác, cạnh khu công nghiệp, nước thải ô nhiễm, khu trũng, khó khăn khi áp dụng cơ giới hóa.

Ông Lê Nguyên Hoài – Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho hay: Trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ nông dân mạnh dạn thuê, mượn ruộng của các hộ không có nhu cầu sản xuất để tích tụ ruộng đất, phục vụ sản xuất. Theo số liệu tổng hợp tại vụ xuân 2023, toàn huyện có 626,71ha được nhân dân tích tụ để sản xuất lúa.

Một số đơn vị có diện tích tích tụ lớn như: Công ty Hưng Khang Nghĩa thuê đất tại Thụy Phong, Thụy Thanh với diện tích 35ha; Công ty Đông Tây thuê đất tại Thụy Thanh với diện tích 30ha; hộ bà Lê Thị Gấm – Dương Phúc 11ha; hộ ông Bùi Văn Chín – Dương Phúc 10ha; hộ ông Phạm Quang Việt – Thái Giang 20ha; hộ ông Bùi Đức Thiên 10ha; hộ ông Trần Quang Hanh 15ha … Trên thực tế, hiệu quả sản xuất của các mô hình tích tụ ruộng đất so với sản xuất truyền thống đã tăng từ 15 – 20%.

Phát triển nông nghiệp đại điền đã trở thành xu thế tất yếu, khi tỉnh Thái Bình đang hướng đến phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tích hợp đa giá trị, định hướng sinh thái, minh bạch. Việc thúc đẩy quy mô sản xuất ở các bậc, nhất là quy mô sản xuất nông hộ theo quy mô lớn đều mang lại năng suất, chất lượng và thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Cơ hội rộng mở cho nền nông nghiệp

Tích tụ ruộng đất được coi là bước thứ hai sau dồn điền đổi thửa nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn, đưa máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để thực hiện thành công đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Thái Bình. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thúc đẩy việc hình thành các hợp tác xã kiểu mới, cùng nhau làm kinh tế nông nghiệp.

Phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái tại Kiến Xương
Phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái tại Kiến Xương

Vừa qua ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã thẩm định một số dự án liên kết với mức hỗ trợ tối đa đạt 6,7 tỷ đồng/liên kết. Mặc dù các cơ chế, chính sách mới được triển khai trong năm 2022 nhưng đã có một số doanh nghiệp tham gia, mở ra cơ hội cho các hộ tích tụ ruộng đất và doanh nghiệp cùng tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Đơn cử như Tập đoàn ThaiBinh Seed, sẵn sàng là đơn vị tiên phong hợp tác với CLB đại điền Thái Bình để phát triển ngành nông nghiệp Thái Bình. Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed – Trần Mạnh Báo nhấn mạnh: Hợp tác doanh nghiệp và đại điền là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường hiện nay. Thực tế, một số địa phương gần đây đã xuất hiện việc liên kết giữa các hợp tác xã và những “người nông dân mới”, cụ thể là các đại điền. Trên cơ sở đó, những cánh đồng mẫu lớn, có thể áp dụng cơ giới và khoa học kĩ thuật, nâng cao chất lượng lúa gạo, nông sản, mang lại giá trị được hình thành.

Trong thời gian tới, để tập trung vào các vùng sản xuất lúa và nông sản phù hợp với từng địa phương, Tập đoàn ThaiBinh Seed sẽ cung cấp giống lúa theo yêu cầu của CLB đại điền với giá hợp lý; đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các thành viên CLB như hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, hỗ trợ CLB tìm đầu ra cho sản phẩm, ưu tiên lựa chọn là đối tác cung cấp nguyên liệu cho nhà máy gạo của ThaiBinh Seed.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Hưng Cúc đã ký kết hợp tác với CLB đại điền về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ đại điền với quan điểm hai bên cùng thắng lợi.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình tích tụ ruộng đất, thúc đẩy sản xuất lớn phát triển. Thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát và thực hiện việc quy hoạch các vùng như vùng sản xuất bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất để ưu tiên cho nông dân sản xuất theo nông hộ, trong cánh đồng mẫu lớn, có sự hỗ trợ và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; vùng sản xuất hàng hóa dành cho những nông dân có khả năng về vốn, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, có khát vọng vươn lên làm giàu, tổ chức sản xuất trang trại với quy mô từ 2ha trở lên; vùng sản xuất hàng hóa liên thôn, liên xã, liên huyện thu hút các doanh nghiệp vào thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc nhận góp cổ phần bằng đất, để tổ chức sản xuất quy mô lớn, mức độ tập trung cao, theo phương thức công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, làm đầu tàu dẫn dắt trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích