Đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao

Về các thủ tục liên quan đến cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao, Dự thảo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính (từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc); bổ sung hình thức nộp hồ sơ (nộp trực tuyến hoặc qua đường bưu điện đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

Theo VCCI, các đề xuất này sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đang thiết kế theo hướng cơ quan cấp phép sẽ tiến hành kiểm tra điều kiện thực tế rồi sẽ xem xét cấp Giấy phép.

“Việc kiểm tra thực tế rồi mới cấp phép có thể khiến cho quy trình giải quyết thủ tục trở nên phức tạp hơn, đề nghị bỏ quy trình này, cơ quan cấp phép có thể xem xét và cấp phép dựa trên hồ sơ (tương tự như nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khác) và tiến hành kiểm tra hậu kiểm sau này. Nếu doanh nghiệp vi phạm về điều kiện có thể áp dụng chế tài thu hồi Giấy phép kinh doanh”, văn bản của VCCI nêu.

Đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao áp dụng chung cho tất cả các môn thể thao. VCCI đề nghị việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng trên được áp dụng cho tất cả các môn thể thao mà không phân tách ra thành hai nhóm thể thao như đề xuất tại mục 3, 4 Phần I Dự thảo.

Cũng theo VCCI, Điều 25, 26 Nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó phải có “chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”.

VCCI đề nghị xem xét, đánh giá về tính cần thiết và phù hợp của yêu cầu này. Vì di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là loại hàng hóa đặc biệt, việc xác định loại hàng hóa này có thực sự là “di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” hay không sẽ do chuyên gia giám định cổ vật thực hiện. Pháp luật về di sản văn hóa đã có các quy định về đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các quy định liên quan đến bảo quản, đưa các loại hàng hóa này ra nước ngoài; thông báo khi thay đổi chủ sở hữu …

“Việc mua bán dị vật, cổ vật là các giao dịch có tính chất dân sự. Yêu cầu trình độ chuyên môn của người bán – không rõ nhằm hướng đến bảo đảm mục tiêu nào và liệu có phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 hay không? Đề nghị cân nhắc xem xét bỏ yêu cầu Chứng chỉ đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”, VCCI đề nghị.

Bên cạnh đó, theo VCCI, Điều 4 Nghị định 61/2016/NĐ-CP quy định cơ sở kinh doanh giám định cổ vật phải đáp ứng điều kiện “có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký” là chưa rõ về điều kiện kinh doanh.

Trong Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật, giấy tờ chứng minh đáp ứng điều kiện này là “danh mục trang thiết bị, phương tiện để thực hiện giám định” là giấy tờ do doanh nghiệp tự cung cấp, cũng không rõ tiêu chí xác định như thế nào “phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký”.

VCCI đề nghị hoặc quy định rõ về trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định, hoặc nếu không quy định rõ được thì bỏ quy định này. Đồng thời, đề nghị bỏ yêu cầu phải có “Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có giá trị pháp lý” trong Hồ sơ xin cấp phép, bởi vì đây là thông tin mà cơ quan cấp phép có thể tra cứu tại hệ thống cơ sở thông tin về đăng ký doanh nghiệp.

Theo Điều 9 Nghị định 61/2016/NĐ-CP để được cấp Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích, cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng (tùy thuộc vào lĩnh vực) và hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Như vậy, để được phép hành nghề tu bổ di tích, cá nhân phải có ba loại chứng nhận sau: Chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng, Chứng chỉ hoặc chứng nhận đã tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích, Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích.

Theo VCCI, nên bỏ yêu cầu phải có Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích mới được phép hành nghề tu bổ di tích và quy định cá nhân chỉ cần có Chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng và Chứng nhận đã tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích là đủ điều kiện.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích