Để công nhân có cái Tết đủ, đầy

Đưa công nhân về quê đón Tết

Trong đó, có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, các cấp công đoàn (CĐ) TP.HCM vận động các doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn TP.HCM có chính sách tặng vé tàu, vé xe hoặc ưu đãi về giá vé xe cho công nhân lao động (CNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Theo kế hoạch, ưu tiên tặng vé cho CNLĐ trực tiếp sản xuất tại DN, sau đó mới xét tặng nhân viên khối văn phòng. Trong đó, có 3 hình thức tặng gồm: Tặng vé xe, vé tàu hỏa và vé máy bay…

Để công nhân có cái Tết đủ, đầy
Nhằm chuẩn bị lo Tết cho người lao động trên địa bàn được chu đáo, LĐLĐ các tỉnh, thành phố đang ra sức chuẩn bị ngay từ bây giờ. Ảnh: Minh Tuấn.

Đồng thời, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐ cơ sở vận động người sử dụng lao động tổ chức chuyến xe đưa và đón CNLĐ về quê đón Tết; đề nghị người sử dụng lao động chi hỗ trợ 100% tiền vé tàu, vé xe hoặc vé máy bay cho CNLĐ tại DN luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều năm liền không có điều kiện về quê đón Tết, để CNLĐ được về quê đón Tết với gia đình. Đối với chương trình “Tết Sum vầy – Xuân tri ân”, ông Nguyễn Thành Đô cho biết, dự kiến chăm lo 13.000 hộ gia đình ĐVCĐ có hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên cho ĐVCĐ tại các DN bị cắt giảm đơn hàng, không có điều kiện về quê đón Tết. Mỗi hộ gia đình được nhận phần quà trị giá 300.000 đồng và tiền mặt là 700.000 đồng. Đối với chương trình “Gia đình CNLĐ vui Tết cùng Thành phố” lần 3 năm 2024, dự kiến 10.000 hộ gia đình ĐVCĐ, công nhân viên chức tiêu biểu sẽ được tặng trọn gói vé vào cổng, sử dụng trọn gói tất cả 30 trò chơi tại Công viên Văn hóa Đầm Sen và suất ăn theo hộ gia đình đã đăng ký; xem chương trình bắn pháo hoa chào mừng năm mới hoặc chương trình ca nhạc chào mừng năm mới.

Đối với chương trình “Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình”, dự kiến diễn ra vào ngày 20/1/2024 tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân). Phiên chợ dự kiến tổ chức theo quy mô từ 100 – 150 gian hàng, các mặt hàng chính phục vụ trong phiên chợ gồm: Gạo, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, trái cây, quà Tết, bánh mứt, thức ăn nhanh, các loại hình dịch vụ về ăn uống; các dịch vụ về phương tiện, nhu cầu cá nhân về ngân hàng, tài chính, vui chơi giải trí… tại phiên chợ, ban tổ chức tặng 1.500 phiếu mua hàng cho ĐVCĐ, NLĐ khó khăn, mỗi phiếu trị giá 300.000 đồng/người tham gia mua sắm.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa

Trong khhi đó, theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, tình hình quan hệ lao động thời gian cuối năm 2023 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể liên quan đến vấn đề lương, thưởng Tết, nợ BHXH,… Trong đó, đáng lưu tâm là vấn đề thưởng Tết sẽ có sự chênh lệch mức thưởng Tết tại những DN có đông CNLĐ, trong cùng một tập đoàn. Do đó, các cấp CĐ TP.HCM sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình quan hệ lao động, kịp thời tham mưu, giải quyết khi có tình huống phát sinh.

Cũng theo ông Tâm, từ nay cho đến sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, CĐ TP.HCM sẽ tập trung triển khai các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán năm 2024 với phương châm “Tết đến với mọi ĐV, NLĐ”, nhất là tập trung giám sát việc chi trả lương, thưởng Tết; hỗ trợ cho ĐV, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng; đảm bảo chính xác, đầy đủ, không bỏ sót đối tượng đủ điều kiện.

Cùng với LĐLĐ TP.HCM, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đang triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho ĐV, NLĐ trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán 2024. Theo đó, với chủ đề “Tết sum vầy – xuân chia sẻ”, các cấp CĐ tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức các hoạt động họp mặt, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho ĐV, NLĐ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm và ĐV nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết. Ngoài ra, CĐ các cấp cũng sẽ tổ chức chương trình Tấm vé nghĩa tình, hỗ trợ khoảng 2.000 vé xe cho ĐV có hoàn cảnh khó khăn; chúc Tết NLĐ tại các khu nhà trọ, các khu vực tập trung đông CNLĐ và các hoạt động văn nghệ vui xuân, đón Tết… Dự kiến mức chi cho ĐV, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn khoảng 500.000 đồng/người, mức chi quà họp mặt gia đình NLĐ có hoàn cảnh khó khăn sử dụng không quá 1 triệu đồng/gia đình…

Để thực hiện kế hoạch này, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đề nghị các cấp CĐ xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí và phối hợp với chính quyền, ngành chuyên môn, người sử dụng lao động hỗ trợ kinh phí. CĐ cơ sở chủ động đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức thăm hỏi, tặng quà và sớm thông báo thời gian nghỉ Tết, trả lương, thưởng của đơn vị, doanh nghiệp để NLĐ hiểu, chia sẻ, an tâm làm việc.

Tương tự, nhằm chuẩn bị cho việc người dân nói chung và NLĐ trên địa bàn mua sắm Tết, Sở Công thương tỉnh Bình Dương vừa có buổi làm việc với lãnh đạo một số sở, ngành, các huyện, thị, thành phố và doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh nhằm thống nhất kế hoạch bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu năm 2024, dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Theo kế hoạch sẽ có 17 DN, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường với tổng giá trị khoảng 11.602 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh). Nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ tại chợ truyền thống ở các huyện, thị, thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024 khoảng 236,2 tỷ đồng. Kế hoạch bình ổn thị trường năm 2024 của tỉnh Bình Dương nhằm bảo đảm hàng hóa chất lượng, được phân bổ đều, linh động hơn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao dịp Tết. Đại diện các DN cam kết bảo đảm hàng hóa chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đã đăng ký, kê khai; tổ chức điểm bán lưu động, điểm bán bình ổn tại các huyện, thị, thành phố, khu công nghiệp, khu dân cư; đẩy mạnh khuyến mại kích cầu tiêu dùng…

Minh Tuấn – Thành Đồng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích