Công nhân mong muốn nâng cao chất lượng các khu nhà ở xã hội

Đây là các hoạt động nằm trong khuôn khổ của chương trình “Những cống hiến thầm lặng” mùa 3 năm 2023 – chương trình hợp tác giữa báo Kinh tế & Đô thị với AAV và AFV.

Qua thực tế tại khu nhà ở thuộc Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, khu nhà ở này được xây dựng trên diện tích đất 20ha với thiết kế được phê duyệt bao gồm 28 đơn nguyên nhà. Cụ thể, có 24 đơn nguyên nhà cao 5 tầng (với 1.084 căn hộ phục vụ 9.168 chỗ ở thuê), 4 đơn nguyên nhà cao 15 tầng (với 448 căn hộ phục vụ 2.352 chỗ ở thuê).

Trong đó, nhà CT1 (A, B) với 224 phòng phục vụ hộ gia đình với 896 chỗ ở; nhà CT2, CT3 với 224 phòng phục vụ hộ độc thân với 1.456 chỗ ở. Hiện khu nhà ở có khoảng 9.000 công nhân đang sinh sống, tỷ lệ lấp đầy khu nhà ở đạt khoảng 80%.

Do được xây dựng lâu nên hạ tầng kỹ thuật ở khu nhà CT1(A, B) đã xuống cấp. Bên cạnh đó, điều kiện sống của người lao động vẫn chưa được đảm bảo do: Trường học xa nơi ở, con học cấp 3 không được học ở trường công, không có nhiều hoạt động nâng cao đời sống tinh thần…

Công nhân mong muốn nâng cao chất lượng các khu nhà ở xã hội
Công nhân lao động sinh hoạt tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung (huyện Đông Anh).

Còn đối với những công nhân lao động đang thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, chi phí thuê nhà và sinh hoạt thời điểm hiện tại đang khá cao nên họ phải thắt chặt chi tiêu để đảm bảo tiền thuê nhà và các chi phí khác.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thơm (quê Thái Nguyên) cho biết, hiện tại chị đang thuê nhà với chi phí 1,7 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng cả điện nước dao động từ 2 triệu tới 2,3 triệu đồng. Những năm gần đây, thu nhập giảm do không được tăng ca nhiều nên 2 vợ chồng chị cũng phải cân đối chi tiêu để lo sinh hoạt phí cho cả gia đình.

Sau chuyến khảo sát, các đại biểu đã cùng tham dự buổi toạ đàm “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân – Từ thực tiễn đến chính sách” diễn ra tại trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) xã Kim Chung, huyện Đông Anh.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho biết, theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.

Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do hiện mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ. Với tổng diện tích 3.135.000m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Tại Hà Nội có gần 170 nghìn công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở cho công nhân (khoảng 13% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân). Thực tế hiện nay cho thấy, với mức lương trung bình 6 – 9 triệu đồng/người/tháng, hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội. Do thiếu quỹ nhà ở dành cho công nhân, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận, điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, không có không gian vui chơi, giải trí…

Công nhân mong muốn nâng cao chất lượng các khu nhà ở xã hội
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại buổi tọa đàm.

Để giúp các cơ quan báo chí có cái nhìn khách quan và đầy đủ hơn về nhà ở cho người lao động, Ban Tổ chức chương trình lựa chọn chủ đề “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân – từ thực tiễn đến chính sách”.

Ban Tổ chức mong muốn thông qua các ý kiến của chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, đại diện đơn vị vận hành khu nhà ở xã hội, đại diện chính quyền cơ sở cũng như tiếng nói của công nhân lao động sẽ phản ánh được rõ nét hơn về thực trạng nhà ở cho công nhân. Tính khả thi từ chính sách đến thực tiễn, cũng như có các đề xuất về chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, thiết thực, từ đó góp phần thúc đẩy sự tiếp cận của công nhân với những khu nhà ở đảm bảo điều kiện sinh hoạt “đạt chuẩn” – nghĩa là được đáp ứng các tiện nghi sinh hoạt cơ bản, đảm bảo an toàn, an ninh, tạo điều kiện để công nhân lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động một cách tốt nhất.

Trong khuôn khổ diễn ra tọa đàm, các diễn giả gồm: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Thị Tám – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh; ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội và ông Bùi Dũng – Trưởng phòng quản lý tái định cư và nhà xã hội đã bàn bạc, trao đổi về các nội dung như: Thực tiễn nhu cầu nhà ở của công nhân hiện nay, những vấn đề đặt ra khi triển khai chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, lời giải với bài toán về chỗ ở “đạt chuẩn” cho công nhân…

Công nhân mong muốn nâng cao chất lượng các khu nhà ở xã hội
Diễn giả trao đổi, thảo luận tại tọa đàm.

Bên cạnh đó, tại tọa đàm, các đại biểu cũng được nghe những chia sẻ thiết thực của công nhân lao động về điều kiện sống hiện nay và những mong muốn của họ về nhà ở trong thời gian tới. Theo đó, người lao động mong muốn sẽ được tiếp cận và giảm lãi suất từ gói vay 120 nghìn tỷ đồng để có cơ hội mua nhà ở xã hội.

Đặc biệt, công nhân lao động cũng mong muốn được quan tâm hơn nữa tới hạ tầng kỹ thuật của những khu nhà ở xã hội. “Tôi sống ở tòa 12 của tòa nhà khu nhà ở cho công nhân. Qua nhiều năm đưa vào sử dụng thì tòa nhà đã xuống cấp, thang máy của tòa nhà thường xuyên bị hỏng. Do đó, chúng tôi rất mong muốn chất lượng dịch vụ tại khu nhà ở thời gian tới sẽ được cải thiện hơn để đảm bảo điều kiện sống cho người lao động”- chị Nguyễn Thị Huyền (công nhân thuê trọ tại tòa CT1A, thôn Bầu, xã Kim Chung) cho hay.

Lương Hằng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích