Có đến 76,2% người lao động “tình nguyện” làm thêm giờ để tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống

Sáng nay (8/8), Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023. Cuộc khảo sát cho Ban Chính sách – Pháp luật và Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) phối hợp thực hiện.

Có đến 76,2% người lao động
Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Đình Quảng thông tin tại Hội nghị.

Thay mặt nhóm nghiên cứu công bố kết quả khảo sát, TS Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết: 52,3% người lao động có làm thêm giờ, số ngày làm thêm giờ trung bình 1 tháng là 10,71 ngày; số giờ làm thêm trung bình 1 ngày là 1,75 giờ. Bên cạnh đó, có 76,2% người lao động tham gia khảo sát “tình nguyện” làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, thời gian làm thêm giờ trung bình mong muốn là 47,3 giờ/tháng.

Tiền lương cơ bản hàng tháng của người lao động (làm đủ giờ công, ngày công, không bao gồm tiền làm thêm giờ) nhận được trung bình là khoảng 6 triệu đồng (tăng 8,4% so với khảo sát tháng 3/2022).

Mức lương cơ bản này cao hơn tiền lương tối thiểu từ 37,5% đến 51,9% (tùy theo từng vùng). Còn 3,5% người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Theo kết quả khảo sát được công bố, trong số người lao động tham gia khảo sát có 27,5% người lao động làm việc trong ngành Dệt may; 16,9% người lao động làm việc trong ngành Điện, điện tử; 7,3% làm việc trong ngành Thương mại; 5,7% làm việc trong ngành Chế biến nông lâm thủy sản; 4,4% làm việc trong ngành Da giày và 38,1% làm việc trong các ngành khác như cơ khí, giao thông vận tải, xây dựng…

Trong số 2.982 phiếu khảo sát, có 62,9% người lao động thuộc Vùng 1; 12,3% thuộc Vùng 2; 16,4% thuộc Vùng 3 và 8,4% thuộc Vùng 4.

Về thu nhập, thu nhập trung bình của 2.982 người lao động khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cở bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng của họ, 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp;

Có 52,3% người lao động có làm thêm giờ, số tiền nhận được trung bình hơn 1,3 triệu đồng/người/tháng (chiếm 17,1% thu nhập trung bình của người lao động).

Chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.

Đáng chú ý, có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy: Tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định con của 72,0% người lao động.

Có tới 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% người lao động chưa từng mua sữa công thức cho con dưới 6 tuổi và chỉ có 37,7% người lao động có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu học tập của con.

Chỉ có 26,2% người lao động có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày; 10,3% người lao động tham gia khảo sát cho biết với thu nhập hiện nay họ ít khi (1 lần/tuần) có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình.

Có tới 46,5% người lao động chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh và còn tới 6,3% cho biết thu nhập hiện tại hoàn toàn không đủ cho họ mua thuốc và khám chữa bệnh và 6,5% người lao động cho biết họ không làm gì cả vẫn đi làm bình thường và để bệnh tự khỏi.

Có đến 76,2% người lao động
TS Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) công bố kết quả khảo sát.

Khảo sát cũng cho thấy: Người lao động ở Vùng 1 phải bỏ ra một khoản tiền trung bình là 1,8 triệu đồng/tháng (bao gồm cả điện nước), số tiền này chiếm 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng của người lao động.

Có 12,3% người lao động đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần và người rút thấp nhất là 1 lần.

Từ kết quả trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam khuyến đề nghị các bộ ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về nguồn hàng, đơn hàng, vốn, ưu đãi thuế, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, từ đó tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho người lao động. Đồng thời có ngay các giải pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, nhất là giá điện, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yêu của người lao động.

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích