Cháu bé 2 tuổi bị sụp mi bẩm sinh gây nhược thị

Cháu bé 2 tuổi bị sụp mi bẩm sinh gây nhược thị

Từ khi mới sinh ra cháu bé đã có hiện tượng bị sụp mi, tầm nhìn bị hạn chế và thường xuyên phải cố ngửa cổ lên nhìn, rất bất tiện.

Bị sụp mi bẩm sinh gây nhược thị, cháu D.B.A (2 tuổi, trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã được phẫu thuật rút ngắn cơ nâng mi trên, giúp bé lấy lại đôi mắt cân đối và thẩm mỹ.

Người nhà cháu bé cho biết, từ khi mới sinh ra cháu đã có hiện tượng bị sụp mi. Tình trạng này càng ngày càng nặng hơn theo thời gian, tầm nhìn của bé cũng bị hạn chế. Bé cũng thường xuyên phải cố ngửa cổ lên nhìn, rất bất tiện.

Sau khi được các bác sĩ tại Khoa liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám, cháu bé đã được chẩn đoán mắc bệnh sụp mi mắt bẩm sinh, đã có ảnh hưởng đến cột sống cổ và nhược thị.

Sup-mi03

Cháu bé trước khi phẫu thuật.

Để ngăn chặn tình trạng này tiến triển, cháu bé đã được chỉ định phẫu thuật rút ngắn cơ nâng mi trên. Sau khoảng 1 giờ phẫu thuật, cháu bé đã tỉnh táo hoàn toàn, mắt không sưng và có thể hoạt động bình thường.

ThS. BS. Đinh Thị Mai Anh – Khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt cho biết, sụp mi dù ở mức độ nào cũng ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ, đặc biệt là ở trẻ em, nó có thể gây ra những tác động tiềm ẩn đến cột sống cổ.

Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Với trường hợp bé D.B.A, do cháu mới 24 tháng tuổi nên việc thực hiện gây mê trước khi phẫu thuật gặp nhiều khó khăn vì bé không hợp tác.

Sup-mi02

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho cháu bé.

Tuy nhiên, nhờ áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều năm, ekip đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, quá trình phẫu thuật diễn ra rất thuận lợi, an toàn và hiệu quả, giúp bé lấy lại được đôi mắt cân đối và thẩm mỹ, sẵn sàn đón nhận một tương lai tươi sáng hơn.

Qua đây, bác sĩ cũng khuyến cáo, sụp mi bẩm sinh có thể gây ra những hậu quả như: Nhược thị nếu mi sụp che diện đồng tử , tật khúc xạ do áp lực của mi mắt lên nhãn cầu, hạn chế thị trường, cong lệch cột sống do cố ngửa cổ để nhìn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ gây tâm lý mặc cảm, hạn chế giao tiếp của trẻ.

Vì vậy, gia đình các bé cần chú ý quan sát, nếu phát hiện bé có tình trạng nheo mắt, nháy mắt khi tập trung quan sát, ngửa cổ, rướn trán khi nhìn, nhìn kém… thì nên cho con đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện và điều trị sớm, tránh những biến chứng xảy ra.

Bạn cũng có thể thích