Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết Thắng”: Tiếp bước cha anh với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt

Tham dự chương trình tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Cầu truyền hình
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội.

Tại điểm cầu Hà Nội có: Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 – 2025; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đoàn đại biểu Đảng Tập hợp những người Hu-phu-ê Dân chủ và Hòa bình cầm quyền ở Bờ Biển Ngà.

Tại điểm cầu Điện Biên có: Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 – 2025; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.

Cầu truyền hình
Điểm cầu Hà Nội mang tới một nét riêng của Thủ đô anh hùng.

Tại điểm cầu Kon Tum có: Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum.

Tại điểm cầu Thanh Hóa có: Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tham dự chương trình còn có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố lân cận nơi tổ chức điểm cầu; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, đảng viên và nhân dân các tỉnh, thành phố nơi tổ chức điểm cầu.

Cầu truyền hình
Chương trình nghệ thuật tại điểm cầu Hà Nội.

Cụ thể, 5 điểm cầu gồm: Khu vực Sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1 (Điện Biên); Quảng trường Ba Đình (Hà Nội); Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa); Nhà rông Kon Klor (Kon Tum) và Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh) – mang những câu chuyện, cung bậc cảm xúc hoà trong bản hùng ca Điện Biên. Đặc biệt, điểm cầu Điện Biên Phủ được thiết kế tại không gian của Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, dựa trên 56 bậc thang tượng trưng cho 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm để làm nên chiến thắng lịch sử.

Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” là chương trình quy mô lớn, có sự tham gia của khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên trực tiếp tham gia biểu diễn ở 5 điểm cầu. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Tấn, Nghệ sĩ Ưu tú Đăng Dương, Nghệ sĩ Ưu tú Việt Hoàn, Phạm Thu Hà, Phúc Tiệp, Đông Hùng, Lan Anh, Đào Tố Loan, Lê Anh Dũng, Võ Hạ Trâm, Đức Tuấn, Y Garia, Rơ Chăm Peng, nhóm Oplus, Anh Bằng, Bencanto…

Cầu truyền hình
Chia sẻ của cựu chiến binh tại điểm cầu Hà Nội.

Đảm nhận nhiệm vụ dẫn dắt tại các điểm cầu là những biên tập viên giàu kinh nghiệm dẫn các chương trình truyền hình trực tiếp, đặc biệt là các cầu truyền hình lớn. Được trao nhiệm vụ dẫn dắt ở các điểm cầu lần này, mỗi người đều cảm thấy vinh dự và tự hào khi được đóng góp phần nhỏ của mình vào cầu truyền hình lớn và ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Biên tập viên Hữu Bằng – Hồng Nhung dẫn điểm cầu Điện Biên, biên tập viên Tuấn Dương – Mỹ Vân dẫn điểm cầu Hà Nội, biên tập viên Đức Bảo dẫn tại Thanh Hóa, biên tập viên Phương Thảo dẫn ở Kon Tum, biên tập viên Thúy Hằng dẫn điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, tên gọi “Dưới lá cờ Quyết Thắng” được lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu “Quyết chiến – Quyết thắng” Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22/12/1953, là giải thưởng luân lưu khích lệ toàn quân vượt gian khó, hiểm nguy hăng hái thi đua, lập thành tích. Thông qua 5 điểm cầu, bức tranh về chiến thắng đỉnh cao đã được tái hiện chân thực và toàn cảnh, không chỉ ở Điện Biên mà còn trên khắp cả nước.

Cầu truyền hình
Chương trình nghệ thuật tại điểm cầu Điện Biên.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý giá không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta mà còn cả trong công cuộc đổi mới của đất nước hôm nay. Đó là bài học về sự chỉ đạo tài tình của Đảng, nghệ thuật quân sự độc đáo, bài học phát huy thế trận lòng dân, sức mạnh đoàn kết dân tộc và đường lối đối ngoại khéo léo. 5 điểm cầu đã ghép lại một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi nơi là những nhân chứng sống, mỗi điểm cầu ghép lại thành bản hùng ca, mảnh ghép nào cũng đều mang ý nghĩa quan trọng.

Tại Điện Biên, ê-kíp sản xuất đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh tham gia chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, lên tới hàng trăm người. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện hay và không thể quên về chiến trường năm ấy. Những kỷ niệm của họ đã giúp chúng ta hình dung ra không khí, tinh thần của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cầu truyền hình
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.

Nếu Điện Biên Phủ là sân khấu chính, truyền tải những nét phác thảo chính của bức tranh của chiến thắng Điện Biên Phủ, thì điểm cầu Hà Nội mang tới một nét riêng của Thủ đô anh hùng với hai nhân chứng lịch sử đều đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ dưới cương vị là lính quân y hoặc chiến sĩ liên lạc cho các bác sĩ tuyến đầu. Hà Nội sẽ như một điểm cầu đại diện cho đóng góp của giới trí thức cho kháng chiến. Nếu so với cầu Thanh Hóa có các dân công hỏa tuyến, Kon Tum là lực lượng chia lửa với Điện Biên thì câu chuyện hậu cần mặt quân y của cầu Hà Nội được khai thác sâu hơn. Từ đó, trả lời cho câu hỏi như “Năm ấy các sinh viên y khoa của Hà Nội đã rời lên chiến trường như thế nào? Những sáng kiến có một không hai của các bác sĩ tuyến đầu xuất phát từ Hà Nội cống hiến cho chiến trường Điện Biên là gì?…

Cầu truyền hình
Câu chuyện về chiến dịch Bắc Tây Nguyên đã được các nhân chứng lịch sử kể lại trong điểm cầu Kon Tum.

Tại điểm cầu Thanh Hóa, ngoài những đại cảnh hoành tráng, khán giả sẽ gặp lại một nhân chứng lịch sử, đã đi qua những ngày khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Đó là ông Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ 101 Thanh Hóa. Khi đó ông là chàng thanh niên 28 tuổi, lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, để lại người vợ trẻ với hai con, đứa con trai lớn chỉ mới 4 tuổi, con gái thứ hai mới sinh được khoảng 2 tháng.

Đối với Điện Biên và Tây Nguyên là hai vùng địa lý cách xa nhau hơn 1.000 km. Nhưng Bắc Tây Nguyên có vai trò gắn kết chiến lược cùng thắng lợi của Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông – Xuân (1953-1954). Trong đó, Kon Tum đóng vai trò đặc biệt, chia lửa với Điện Biên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất mong đợi chiến dịch Bắc Tây Nguyên bắt đầu trong thời điểm chúng ta đang chuẩn bị kéo pháo ra để bố trí lại lực lượng theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Cùng lúc đó, quân Pháp đã tiến hành cuộc hành quân Át-Lăng lên vùng Liên khu 5. Và 3 trận công đồn nổ ra tại Kon Tum thắng lợi đã tạo nên tiếng vang lớn, làm quân Pháp phải tập trung sự chú ý lên Bắc Tây nguyên. Đây là chiến dịch được đánh giá rất cao về nghệ thuật quân sự.

Cầu truyền hình
Điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh là câu chuyện về quân dân miền Nam chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ.

Cuối cùng, điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh là câu chuyện về quân dân miền Nam chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Về mặt địa lý, miền Nam xa nhất so với chiến trường Điện Biên Phủ nên việc đóng góp trực tiếp về nhân lực, vật chất có thể không bằng các địa phương khác, nhưng thời điểm đó, dựa trên chủ trương phân tán lực lượng của thực dân Pháp ở trên tất cả các mặt trận, đồng bào miền Nam đã tiến công trên cả ba mặt. Mặt trận quân sự: Có rất nhiều trận đánh nhỏ tập trung vào các đồn bốt, tiêu hao hàng nghìn sinh lực địch. Mặt trận chính trị: Phong trào yêu nước diễn ra rất sôi nổi và rộng rãi trên khắp miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn – Gia Định, trong đó có tầng lớp trí thức yêu nước. Công tác binh vận: Vận động người dân không đi lính cho Pháp, không tham gia vào các lực lượng quân sự của Pháp. Điều đó khiến cho nhiều trung đoàn, tiểu đoàn của Pháp xảy ra tình trạng đào ngũ, dẫn đến quân đội của Pháp ở miền Nam Việt Nam gặp nhiều khủng hoảng.

Được biết, âm nhạc của Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Điện Biên Phủ lần này do hai nhạc sĩ Lưu Hà An và Thanh Phương đảm nhận. Phần âm nhạc được sản xuất riêng cho chương trình và điều quan trọng là những tác phẩm này vừa mang âm hưởng của ngày xưa ấy và có cả nét mới của âm nhạc hôm nay. Âm nhạc và thơ có sự hòa quyện, tạo nên mạch nối nghệ thuật xuyên suốt chương trình, góp phần lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần, sức mạnh Điện Biên Phủ.

Với thời lượng hơn 110 phút, cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” đã đưa khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn. Những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước đã được thể hiện thông qua tư liệu, sự chia sẻ của các nhân chứng lịch sử nhằm mang tới bức tranh tổng thể về chiến thắng Điện Biên Phủ với góc nhìn mới, giàu cảm xúc. Âm nhạc và thơ có sự hòa quyện, tạo nên mạch nối nghệ thuật xuyên suốt chương trình, góp phần lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần, sức mạnh Điện Biên Phủ – “điểm hẹn mà lịch sử dành cho các cuộc chiến tranh xâm lược”.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích