Cần cấm ngay thuốc lá điện tử

Bất chấp những cảnh báo của các nhà khoa học về thuốc lá điện tử, đặc biệt có những loại thuốc trá hình không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe mà còn có khả năng gây nghiện do chứa các loại hoạt tính, một dạng ma túy tổng hợp, song giới trẻ vẫn rất mê. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí thôn quê, dễ dàng bắt gặp nhiều bạn trẻ, trong đó có cả học sinh, sinh viên “phì phèo” thuốc lá điện tử.

Cần cấm ngay thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất lỏng gây nguy hiểm cho sức khỏe và dễ gây nghiện (Ảnh minh họa)

Theo định nghĩa của giới khoa học, thuốc lá điện tử tạo khói mà người dùng hít vào phổi bằng cách đốt nóng dịch lỏng vốn thường chứa nicotin, chất gây nghiện “khét tiếng” trong thuốc lá truyền thống… cũng như chất tạo hương (diacetyl) và các hóa chất tạo khói khác. Người hút không cần biết trong thuốc lá có chất gì, cứ thấy “mê”, thấy “phê” là hút. Còn các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước về sức khỏe là Bộ Y tế nhận thấy những tác hại của thuốc lá điện tử với người dùng nói chung, cũng như thanh thiếu niên – thế hệ tương lai của đất nước nên đã khuyến cáo không nên sử dụng và đề nghị cấm lưu thông. Mặc dù các nhà khoa học, Bộ Y tế cảnh báo như vậy, song trên góc độ sản xuất – kinh doanh, Bộ Công Thương lại đề nghị cho “thí điểm quản lý thuốc lá điện tử”.

Vì vậy, tại phiên giải trình trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức sáng nay (4/5), nội dung này lại được “hâm nóng”. Giải trình về vấn đề chậm ban hành văn bản quản lý thuốc lá điện tử, đại diện Bộ Công Thương nêu lý do: “Mục tiêu của Bộ Công Thương là muốn quản lý sản phẩm này. Chúng tôi chỉ xin thí điểm. Khi xây dựng trình ban hành chính sách, tất cả các bộ nhất trí, tuy nhiên Bộ Y tế không đồng ý. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu hai bộ ngồi lại thống nhất với nhau”.

Giải trình vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ quan điểm nhất quán của Bộ từ trước đến nay thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là loại có nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thế hệ trẻ nên đề xuất cấm. Về lý do đề xuất cấm, Bộ trưởng Y tế nêu rõ căn cứ vào nghị quyết của Đảng, căn cứ pháp lý, chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá mà Chính phủ đã ban hành và các tác hại, bài học kinh nghiệm quốc tế rất rõ ràng. Bộ trưởng đặt vấn đề: Với trào lưu mới, tập trung chính ở thế hệ trẻ có nên mở ra cho thử, thí điểm hay không? Mai sau, chúng ta mở ra rồi mà không dừng lại được lúc đó ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng, tính mạng của người dân Việt Nam? Chúng tôi đề nghị cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Đặc biệt, Tổ chức Y tế Thế giới đã có cân nhắc trên cơ sở phân tích kinh nghiệm quốc tế, nên việc cấm không có gì phải băn khoăn, suy nghĩ nhiều.

Cần cấm ngay thuốc lá điện tử
Nhiều bạn trẻ, trong đó có cả học sinh, sinh viên rất “mê” loại thuốc lá này. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm với Bộ Y tế, nhiều đại biểu Quốc hội và đại diện Bộ Công an tại phiên giải trình cũng đề nghị cấm thuốc lá điện tử vì có hại cho sức khỏe, cộng đồng hơn lợi ích về mặt kinh tế.

Như chúng ta đều biết, với những nước phát triển, họ không chỉ có các biện pháp khắt khe bảo vệ sức khỏe người dân hiện tại mà còn có chiến lược bảo vệ sức khỏe người dân trong tương lai (thế mệ mai sau). Do đó, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát các hoạt chất độc hại, gây nghiện dưới bất cứ hình thức nào trong đồ dùng, thuốc lá đặc biệt nghiêm ngặt. Vì họ hiểu rằng, nếu một thế hệ hiện tại bị “tổn thương” bởi các chất hóa học nguy hại thì thế hệ tương lai sẽ không tốt. Vì thế, với chúng ta, trong bối cảnh quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm đang còn vấn đề, thì trên bình diện thuốc lá điện tử – một loại thuốc có nguy cơ gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến cộng đồng lại được giới trẻ sử dụng. Cách tốt nhất phải cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.

Hà Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích