Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lý giải vì sao không cố định lịch nghỉ Tết các năm

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 diễn ra chiều 30/9, cơ quan báo chí đã đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm rõ về các phương án nghỉ Tết Âm lịch năm 2024. Tại sao Bộ không xây dựng phương án nghỉ cố định dùng cho các năm thay vì việc đến mỗi dịp nghĩ lễ mới xin ý kiến của các bộ ngành, địa phương?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, tại khoản 3 Điều 112 Bộ luật Lao động quy định hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch và ngày Quốc khánh.

Do đó, định kỳ hằng năm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lý giải vì sao không cố định lịch nghỉ Tết các năm
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh lý giải vì sao không cố định lịch nghỉ Tết các năm.

Theo Bộ luật Lao động, Lễ Quốc khánh người lao động được nghỉ 2 ngày, Tết Âm lịch được nghỉ 5 ngày, có thể trước, sau Lễ, Tết. Tuy nhiên, trong thực tiễn lịch nghỉ Tết, Lễ không cố định qua các năm mà đồng thời sẽ xen kẽ các ngày nghỉ cuối tuần. Do vậy, Bộ sẽ đưa ra phương án để lựa chọn đảm bảo phù hợp, hài hoà lợi ích của các nhóm đối tượng, ngành nghề.

Ví dụ ngày lễ Quốc khánh, theo quy định được nghỉ thêm 1 ngày không cố định là ngày mùng một hay mùng ba. Từ đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng phương án, lấy ý kiến các bộ, ngành trên tinh thần để làm sao phù hợp nhất cho người lao động.

“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không tự quyết định phương án nghỉ, Bộ sẽ đưa ra phương án tối ưu, phù hợp với thực tiễn để xin ý kiến các bộ, ngành và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để chọn phương án tốt nhất, đảm bảo phù hợp, hài hòa lợi ích của các nhóm đối tượng, ngành nghề, lấy người lao động làm trung tâm”, ông Thanh nói.

Hiện nay, Bộ đã đưa ra hai phương án nghỉ Tết Âm lịch 2024 và đang lấy ý kiến các đơn vị. Thực tế đã có nhiều ý kiến khác nhau. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam muốn nghỉ trước lễ hai – ba ngày để người lao động về sớm hơn nhưng có đơn vị muốn nghỉ trước lễ một ngày để sau đó có thể kết hợp với thứ 7, chủ nhật, thời gian nghỉ sẽ dài hơn.

“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tích cực lắng nghe để có phương án tối ưu nhất, làm sao để giữ được nét tươi vui của ngày Tết, phù hợp với đời sống kinh tế – xã hội, người dân đi lại thuận lợi”, ông Thanh khẳng định.

P.Ngân

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích