Bác sĩ khuyến cáo: Không nên ăn trứng quá nhiều để giảm cân vì có thể hình thành sỏi túi mật

Mới đây, bệnh nhân V.V.K. (23 tuổi, An Giang) tình cờ phát hiện mình có sỏi túi mật trong đợt khám sức khỏe tổng quát. Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), bệnh nhân được siêu âm bụng, các bác sĩ phát hiện có nhiều viên sỏi trong túi mật, viên lớn nhất có kích thước gần bằng với một quả trứng cút nhỏ. 

Tuy nhiên, anh K. không có bất cứ triệu chứng nào của sỏi túi mật như: đau bụng vùng hạ sườn bên phải, vàng da hay chán ăn…Qua khai thác về chế độ ăn uống, bệnh nhân cho biết ăn trứng mỗi ngày và ăn rất nhiều, trong suốt thời gian dài.

Bác sĩ Trần Xuân Phúc – Khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết, trứng là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ ăn và dễ chế biến. Tuy nhiên, lòng đỏ trứng gà chứa nhiều cholesterol và việc tiêu thụ quá nhiều trứng trong chế độ ăn, nhất là để giảm cân có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi. Theo khuyến cáo, ở người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn trung bình khoảng 2-3 quả trứng một ngày và không nên quá 3 ngày trong tuần. 

Không nên ăn quá nhiều trứng vì có thể hình thành sỏi túi mật. Ảnh minh họa

Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, thực tế, chế độ ăn trứng để giảm cân chỉ bao gồm các thực phẩm ít calo dẫn đến tình trạng thâm hụt calo. Nghĩa là lượng calo nạp vào sẽ ít hơn lượng calo đốt cháy trong ngày. Do đó, việc giảm cân có thể xảy ra. Đồng thời, phương pháp này giúp cải thiện một số bệnh lý tim mạch, huyết áp và tăng cường sự trao đổi chất, giảm mức độ hormone đói ghrelin so với chế độ ăn nhiều carb. Tuy vậy, theo các chuyên gia, ăn trứng giảm cân không phải là lựa chọn tốt nhất để giảm cân bền vững, lâu dài. Bởi có thể tăng cân trở lại khi quay về chế độ ăn uống bình thường.

Ngoài ra thực đơn của chế độ ăn trứng luộc giảm cân không đa dạng, mà chỉ có một số loại thực phẩm cụ thể. Điều này khiến người ăn kiêng gặp khó khăn trong việc theo đuổi chế độ ăn lâu dài. Đồng thời, tăng nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn đến hạ huyết áp, mệt mỏi,… nếu bạn theo chế độ ăn này lâu dài. Cụ thể: ngũ cốc nguyên hạt vốn rất giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Trong khi các loại rau giàu tinh bột như khoai tây là nguồn cung cấp vitamin C, kali và magiê tuyệt vời. Cả hai nhóm thực phẩm này đều không được phép dùng trong chế độ ăn kiêng

Mặt khác, hạn chế calo trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như: suy giảm hệ miễn dịch, giảm mật độ xương và rối loạn kinh nguyệt.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, có chứa các thành phần dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, canxi, sắt, kẽm, selen, vitamin B12, vitamin D, các acid béo no, cholesterol… Tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng rất phù hợp và cân đối.

Theo đó, lòng đỏ và lòng trắng trứng có độ đồng hóa khác nhau. Với lòng đỏ, do độ nhũ tương và các thành phần dinh dưỡng phân tán đều nên ăn sống hoặc chín cũng rất dễ đồng hóa, hấp thu. Lòng trắng trứng ăn sống hoặc trần tái dễ gây đầy bụng khó tiêu. Vì vậy, lòng trắng trứng cần được làm chín trước khi ăn.

Trứng có nguồn chất béo rất quý đó là lecithin, lecithin thường có ít ở các thực phẩm khác (trừ đậu nành). Lecithin giúp giảm cân, giúp phá vỡ và phân tán mỡ trong thức ăn và trong máu thành những phân tử nhỏ hơn. Khi đó, cơ thể sẽ sử dụng lượng mỡ đã được phân chia nhỏ này để làm nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng cho cơ thể hơn là dự trữ trong các mô tế bào.

Mặc dù chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng cần ăn trứng đúng khuyến cáo: Với trẻ nhỏ từ 6-7 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà; trẻ từ 8-9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà hoặc 4 quả trứng chim cút; trẻ từ 10-12 tháng tuổi cho ăn cả lòng đỏ và lòng trắng và mỗi bữa ăn 1 quả; trẻ từ 1-2 tuổi ăn từ 3-4 quả/tuần.

Với người lớn, một tuần chỉ nên ăn 3 quả, người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol cao trong máu vẫn có thể ăn trứng, vì nó không làm tăng huyết áp và cholesterol máu, tuy nhiên một tuần chỉ nên ăn từ 1-2 quả.

Vân Thảo (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích