Bắc Ninh: Nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kế hoạch nhằm tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 695 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN”; bảo đảm việc quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao vai trò của DNNN trong phát triển kinh tế – xã hội.

Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan và người đứng đầu cơ quan được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công của UBND tỉnh trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN; vai trò giám sát của xã hội đối với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN.

Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh; các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn về tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN. Tổng hợp, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN của cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh tăng cường đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các chủ thể có thẩm quyền quản lý DNNN, đại diện chủ sở hữu nhà nước và giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN.

Các sở, ban, ngành tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao; các DNNN thuộc tỉnh: tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch và Quyết định số 695 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, chặt chẽ, đồng bộ trong cả tỉnh.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước; các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra DNNN; các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và các DNNN thuộc tỉnh có trách nhiệm phối hợp trong xây dựng, thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra DNNN: kiện toàn tổ chức, nâng cao đạo đức công vụ, năng lực chuyên môn và trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN: thực hiện minh bạch, trách nhiệm giải trình và ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN.

Cùng với đó, phát huy vai trò của xã hội trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN; Cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước, người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra tổ chức đầu mối tiếp nhận, xử lý các thông tin, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN; trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN và việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN. Tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra DNNN với các tổ chức chính trị – xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí… về những nội dung liên quan đến hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN.

Theo Thương hiệu Công luận

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích