Bắc Giang triển khai chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030

Ảnh
Vải thiều đang là một trong những loại nông sản xuất khẩu ổn định nhất của Bắc Giang.

Mục tiêu chính xuyên suốt từ 2023 đến 2030 của tỉnh Bắc Giang là tập trung phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tăng tỉ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm sản phẩm tiềm năng trong sản xuất và xuất khẩu. Gắn phát triển xuất nhập khẩu với xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo sự gắn kết từ tổ chức sản xuất đến phân phối, tổ chức thị trường tiêu thụ, đảm bảo quy mô và giá cả nguồn cung thống nhất, ổn định.

Cụ thể, phấn đấu giai đoạn 2023 – 2025, nâng cao tỉ lệ chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản của tỉnh.

Giai đoạn 2026 – 2030, phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản chế biến sâu; ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh khai thác các thị trường lớn, tiềm năng như: Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, Châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh…, hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.

Xuất, nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hòa. Duy trì và phát huy các thị trường đã có. Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, ASEAN… đẩy mạnh khai thác các thị trường lớn, tiềm năng như: Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh… qua đó hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.

Để đạt được mục tiêu đề ra, các địa phương trên toàn tỉnh cần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế. Thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại có sự hợp tác, liên kết vào đầu tư vào nông nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 2- 3%/năm; tỉ trọng giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao năm 2030 đối với nông nghiệp chiếm trên 80%, lâm nghiệp và thủy sản chiếm trên 10%; tỉ lệ trồng trọt hữu cơ chiếm 30%, chăn nuôi hữu cơ chiếm 20%; chăn nuôi trang trại, khu chăn nuôi tập trung chiếm 80%.

Thu hút, khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao theo định hướng quy hoạch kết hợp với các biện pháp tổ chức tiêu thụ; đồng thời đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải, bảo vệ môi trường. Đến 2030, ưu tiên thu hút dự án sản xuất, chế biến nông sản hướng đến xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu như: Vùng chế biến rau xuất khẩu (Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang và Hiệp Hòa); vùng chế biến quả xuất khẩu (Lục Ngạn, Lục Nam); chế biến gỗ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu (Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế); các dự án giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm (Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, thành phố Bắc Giang)…

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho xuất nhập khẩu. Tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đưa khoa học công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt; ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, khảo sát thị trường, tham gia hội chợ – triển lãm trong và ngoài nước…. giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đồng thời tham gia các chương trình hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành phố nhằm tạo nguồn sản phẩm cho xuất khẩu. Giới thiệu các doanh nghiệp có năng lực, uy tín tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi đối với các sản phẩm nông sản.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư thu hút các dự án đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư theo hướng hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu, thu thập, cung cấp thông tin thị trường, thực hiện tốt việc quảng bá thương hiệu sản phẩm, tổ chức thị trường tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm nông sản của tỉnh.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích