Bắc Giang: Sẽ nhờ chuyên giá đánh giá và khôi phục nguyên trạng bia cổ tại chùa Thổ Hà

(Xây dựng) – Liên quan tới việc bia đá 342 năm tuổi tại chùa Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) bị vỡ trong quá trình di chuyển, UBND huyện Việt Yên đã có văn bản đề nghị Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chủ trì cử các chuyên gia thực hiện khảo sát, đánh giá và đưa ra phương án khôi phục hiện trạng bia cổ.

bac giang se nho chuyen gia danh gia va khoi phuc nguyen trang bia co tai chua tho ha
Tấm bia đá đã được bọc kín, tạo hành lang bảo vệ chờ đánh giá của các chuyên gia, các nhà khoa học.

Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Thổ Hà, huyện Việt Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận tại Công văn số 4672/BVHTTDLDSVH ngày 16/10/2018; Công văn số 2959/BVHTTDL-DSVH ngày 12/8/2020; Công văn số 3468/BVHTTDL-DSVH ngày 18/9/2020. Dự án được khởi công ngày 19/12/2019, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Việt Yên làm chủ đầu tư và giám sát công trình, Công ty Cổ phần bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt là đơn vị thi công.

Vào 16h30 ngày 8/9/2021, đơn vị thi công đã tổ chức dịch chuyển bia đá (tại vị trí sân phía trước tòa Tam bảo) ra vị trí bảo quản, nhằm tạo mặt bằng cho việc nâng cốt nền khuôn viên chùa Thổ Hà.

Để dịch chuyển bia đá, đơn vị thi công đã đào móng xung quanh bia, dùng dây vải buộc vào phần thân bia, sử dụng xe cẩu để nâng (nhằm luồn dây qua phần đế bia để buộc bó toàn bộ bia, trước khi dịch chuyển). Tuy nhiên, khi tiến hành nâng bia lên thì thân bia bị tách rời thành nhiều mảnh. Sau khi xảy ra sự việc trên, đơn vị thi công đã cho tạm dừng công và báo cáo tới các cơ quan chức năng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, để kịp thời khắc phục sự cố trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã đề nghị chủ đầu tư tạm dừng việc dịch chuyển bia đá, dùng bạt bó buộc thân và đế bia, bảo quản các mảnh vỡ của bia; đóng cọc căng dây tạo hành lang bảo vệ; tạo mái che tạm thời trong thời gian báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Để việc triển khai dự án tu bổ, tôn tạo chùa Thổ Hà đảm bảo tiến độ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cũng đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép chủ đầu tư gông bó, vận chuyển bia ra vị trí phù hợp để tạo mặt bằng phục vụ thi công công trình; căn cứ bản in dập văn bia, trên cơ sở các tài liệu khác có liên quan phục chế lại bia đá (trong quá trình thực hiện sẽ tranh thủ ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học đề việc phục chế đảm bảo chất lượng).

Được biết, tấm bia bị vỡ thuộc loại bia tứ diện (kích thước: Trán bia cao 78cm; thân bia cao 115cm, rộng 75cm; đế bia cao 5cm, rộng 93cm), tạo bằng chất liệu đá xanh, niên hiệu Vịnh Trị năm thứ 4 (1679); nội dung bia ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà (Đoan Minh tự).

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Đình Mỹ – Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho rằng việc tấm bia đá bị vỡ là sự cố ngoài ý muốn, tuy nhiên trách nhiệm chính thuộc về đơn vị thi công do đã không đánh giá chính xác hiện trạng của tấm bia.

“Trước đây bia được đặt trong gác chuông. Năm 1954, dân quân du kích địa phương đã đốt gác chuông để lấy chuông đúc súng đạn phục vụ kháng chiến. Do tác động của nhiệt do đốt, bia đá bị rạn nứt nhiều vị trí. Bên cạnh đó thì chùa cũng nằm ở vùng thường xuyên ngập lụt cho nên cũng ít nhiều tấm bia đá cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ở đây trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công vì đã không đánh giá đúng hiện trạng và có phần thi công ẩu” – ông Mỹ nói.

Cũng theo ông Mỹ, đơn vị thi công là một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng, tu bổ các công trình văn hóa cho nên để xảy ra sự cố là điều hết sức đáng tiếc.

Trước sự việc nêu trên, ngày 16/9, UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có công văn gửi Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, đề nghị chủ trì cử các chuyên gia của Bảo tàng tiến hành thực hiện việc khảo sát, đánh giá hiện trạng mức độ hư hại của bia đá Hưng Công chùa Thổ Hà và đưa ra phương án cũng như tiến hành các biện pháp phục hồi khối bia đảm bảo ở mức độ cao nhất.

Theo ông Đỗ Tuấn Khoa – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, bia đá Hưng Công thùa Thổ Hà là hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử cao, việc phục dựng không đơn giản là chắp ghép lại những mảnh vỡ mà cần có sự đánh giá của chuyên gia và đưa ra phương án cụ thể. Đồng thời, cũng cần lựa chọn đơn vị phục dựng có uy tín, có năng lực chuyên môn cao để có thể phục dựng lại bia đá một cách nguyên bản nhất trên cơ sở những gì còn sót lại của tấm bia đá.

Về trách nhiệm các bên liên quan, ngày 16/9, UBND huyện Việt Yên đã có công văn yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện, Giám đốc Công ty Cổ phần bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt (đơn vị thi công) và Chủ tịch UBND xã Vân Hà nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình thi công công trình để xảy ra sự việc nêu trên.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích