Bắc Giang: Sản phẩm OCOP tạo sức bật xây dựng nông thôn mới

Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, theo đó, tỉnh Bắc Giang đã giao các địa phương tự chấm điểm và phân hạng đối với sản phẩm 3 sao.

Đến tháng 8 năm nay, tỉnh có 9/10 huyện, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Kết quả đã đánh giá, phân hạng được 52 sản phẩm (50 sản phẩm mới và 02 sản phẩm đánh giá lại). Dự kiến lũy kế đến hết đợt 1 toàn tỉnh có 255 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 33 sản phẩm 4 sao, 222 sản phẩm 3 sao, giá trị sản phẩm OCOP ước đạt khoảng 650 tỷ đồng.

1
Hội đồng phân hạng đánh giá sao OCOP thành phố Bắc Giang.

Cùng với đó, nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng, điều kiện của từng vùng, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo trên cơ sở tập trung vào thế mạnh của địa phương, trong đó chú trọng khai thác và phát triển nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng nghề, nghề truyền thống gắn với nông nghiệp, nông thôn. 

2
Hội đồng phân hạng đánh giá sao OCOP huyện Tân Yên.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều chủ thể HTX có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân. Tiêu biểu như: sản phẩm rượu men lá Như Bảo; giấm Kim Ngân; trà hoa vàng; mỳ Chũ; bún Đa Mai, vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế…

Tỉnh Bắc Giang có 14 khu, điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận; có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, với 3 loại hình du lịch chính: Văn hóa tâm linh; lịch sử – văn hóa và sinh thái nghỉ dưỡng. Nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng, tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang,… Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Dân ca Quan họ; Ca trù; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Đây là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch nhằm khai thác tối đa giá trị sản phẩm OCOP địa phương.

3
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang xuất hiện phủ khắp các hội chợ, triển lãm.

Kết quả đến nay, tỉnh Bắc Giang có 01 sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (Điểm du lịch sinh thái – văn hóa Bản Ven của HTX Thân Trường, huyện Yên Thế). Dự kiến năm 2023 có thêm tối thiểu 01 sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch tại huyện Lục Ngạn.

4
Sản phẩm OCOP rượu men lá Như Bảo của HTX Dịch vụ – Thương mại An Lập, xã Vĩnh An, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Với nhóm thảo dược, tính tới tháng 8/2023 tỉnh Bắc Giang có 02 sản phẩm nhóm thảo dược là giải độc gan An Xoa và viên xương khớp Thanh Ngâm của HTX dược liệu Khánh Hoa, đạt 3 sao năm 2020. Là một nhóm sản phẩm liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng do đó quá trình đánh giá, phân hạng các sản phẩm thảo dược được đặc biệt lưu ý đối với các tiêu chí nguồn nguyên liệu, điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo,.. của nhóm ngành này theo quy định của ngành Y tế, ví dụ như: giấy phép sản xuất, lưu hành; điều kiện sản xuất (GMP); các bản công bố, tiếp nhận công bố của cơ quan chức năng về y tế.

Để triển khai chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, tỉnh Bắc Giang, chịu trách nhiệm chính là Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP trong năm 2023. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT với vai trò là cơ quan thường trực đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, qua đó thành lập bộ phận điều hành đến từng xã, phường để thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo hiệu quả.

Theo đó, Sở đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương thực hiện truyền thông, thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP… xây dựng các tin, bài viết, chuyên mục về chương trình OCOP, quảng bá sản phẩm. Kết quả đã có gần trên 100 tin, bài viết, phóng sự, clip truyền hình tuyên truyền về Chương trình và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang.

Đồng thời tiếp tục duy trì thường xuyên website Sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang (http://ocopbacgiang.vn) nhằm cung cấp các thông tin cần thiết về triển khai thực hiện Chương trình và thông tin các sản phẩm được công nhận OCOP. Qua đó quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục tạo tổ chức 07 lớp tập huấn cho 500 chủ thể sản xuất và cán bộ quản lý chương trình OCOP các cấp. Nội dung tập huấn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và căn cứ vào nhu cầu thực tế của tỉnh. Quá trình tập huấn ưu tiên hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình và hướng dẫn chuyên sâu các chuyên đề về phát triển sản phẩm, đánh giá phân hạng sản phẩm, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, xúc tiến thương mại,…

Nhằm giúp các sản phẩm tham gia Chương trình từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lên phương án hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, tem nhãn mác sản phẩm cho các HTX, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất có sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023. Tổng số HTX, chủ thể được hỗ trợ là 27 chủ thể (đăng ký, quản lý nhãn hiệu: 06 chủ thể; thiết kế in bao bì, tem nhãn: 35 sản phẩm).

Phối hợp với UBND huyện Tân Yên, Lục Ngạn, Sơn Động khảo sát thực hiện dự án thí điểm phát triển mô hình phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ, du lịch sinh thái tâm linh sinh thái núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên; khảo sát, hướng dẫn phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch tại Điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên (HTX du lịch Đồng Dao), Điểm du lịch làng văn hóa Đông Bắc (HTX dịch vụ du lịch làng văn hóa Đông Bắc) trên địa bàn huyện Lục Ngạn; khu du lịch sinh thái Khe Rỗ huyện Sơn Động.

Phối hợp với phòng chuyên môn các huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2023; tư vấn, hướng dẫn công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vifoco xây dựng hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm vải thiều Bắc Giang; long nhãn Bắc Giang tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Đặc biệt, trong năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tham gia 03 sự kiện triển lãm (Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2023; trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc”do Bộ Ngoại giao tổ chức và Hội nghị tổng kết sản xuất vụ đông năm 2022 triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2023 các tỉnh, thành phía bắc) qua đó triển lãm, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh: Mỳ gạo Lục Ngạn, chè xanh Bản Ven, vú sữa Hợp Đức, mật ong vải sớm, đông trùng hạ thảo, ổi Tân Yên, sâm nam núi Dành… Các sản phẩm của tỉnh tại sự kiện triển lãm được du khách quan tâm tìm hiểu và có phản hồi tích cực.

Với những thành tựu rực rỡ trong năm nay, tỉnh Bắc Giang nói chung và Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm nói riêng sẽ tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024 – 2025. Qua đó tạo động lực cho các chủ thể tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thúc đẩy xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao.

Đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế.

Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích