Ai đứng sau lô đất CX2 vừa bị Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra loạt sai phạm?

(Xây dựng) – Khu công viên giải trí số 1 – lô đất CX2 thuộc Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính đã bị Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều sai phạm. Nhóm doanh nhân họ Đỗ đứng sau lô đất này.

ai dung sau lo dat cx2 vua bi thanh tra bo xay dung chi ra loat sai pham
Dự án Khu công viên giải trí số 1 – lô đất CX2 thuộc Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (ảnh: Internet).

Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra loạt sai phạm

Trong tháng 6/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr thanh tra Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; các chủ đầu tư dự án và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính. Rất nhiều dự án ở khu vực này đã bị chỉ ra hàng loạt sai phạm, trong đó có Khu công viên giải trí số 1 – lô đất CX2 thuộc Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính.

Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã có 2 lần điều chỉnh, UBND Thành phố Hà Nội đã 6 lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định của pháp luật, tính mật độ xây dựng sai quy chuẩn xây dựng tại dự án này.

Sai phạm không chỉ dừng lại ở đó. UBND Thành phố Hà Nội bị Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận cho phép Vinaconex chuyển nhượng dự án cho Công ty Cổ phần Công nghệ Bể bơi Thông minh trong khi chủ đầu tư đang lập sai quy hoạch. Giá trị chuyển nhượng gần 12 tỷ đồng. “Chủ đầu tư xây dựng công trình, hạng mục công trình sai quy hoạch, UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Trung Hòa, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận không xử lý triệt để các vi phạm”, Kết luận Thanh tra nêu rõ. Ngoài ra, do chủ đầu tư xây dựng công trình sai quy hoạch, nên cũng chưa đủ cơ sở để được miễn giảm tiền sử dụng đất.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc theo thẩm quyền tổ chức, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm nghiêm trọng, đồng thời nghiên cứu việc dừng xây dựng nhà cộng đồng dân cư, có biện pháp khắc phục đảm bảo chỉ tiêu cây xanh hiện đang thiếu rất nghiêm trọng tại khu đô thị. Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của cơ quan này số tiền gần 8 tỷ đồng do lập, chuyển nhượng dự án sai quy định pháp luật.

Ngoài ra, đối với hành vi miễn tiền sử dụng đất có khả năng gây thiệt hại ngân sách số tiền (tạm tính) đến thời điểm ngày 26/5/2020 là 2,5 tỷ đồng, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ, trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chí theo quy định thì xem xét, quyết định bãi bỏ các ưu đãi; trường hợp có dấu hiệu hình sự thì chuyển cơ quan điều tra làm rõ, xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm miễn tiền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Công nghệ Bể bơi Thông minh.

Doanh nhân họ Đỗ đứng sau lô đất CX2

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Công nghệ Bể bơi Thông minh được thành lập vào tháng 27/5/2004 với người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Hiền Lương. Ngành nghề chính của công ty là “Hoạt động của các cơ sở thể thao”. Năm 2016, ông Đỗ Vũ Diên trở thành người đại diện pháp luật của công ty.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Công nghệ Bể bơi Thông minh lại gần như là sở hữu hoàn toàn của Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Gia Hà Nội (có tiền thân là Công ty Cổ phần My Way Hospitality).

Cụ thể, vào tháng 11/2021, Phú Gia Hà Nội đã nhận chuyển nhượng 196.000 cổ phần, qua đó sở hữu tới 98% Công ty Cổ phần Công nghệ Bể bơi Thông minh. Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Gia Hà Nội thành lập ngày 27/6/2006 với 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Mai Linh, ông Nguyễn Văn Bá và ông Trần Đức Việt. Hiện tại, ông Đỗ Vũ Đạt nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của công ty. Đáng chú ý, ông Đỗ Vũ Đạt là em trai ông Đỗ Vũ Diên.

Sớm có trong tay lô đất CX2 nhưng Phú Gia Hà Nội hoạt động không hiệu quả. Trong 3 năm 2016, 2017 và 2018, doanh thu công ty luôn đạt dưới 5 tỷ đồng, phải đến năm 2019 mới tăng lên 7 tỷ đồng nhưng rồi lại giảm xuống 4,9 tỷ đồng trong năm 2020.

Trong 5 năm gần đây (từ 2016 đến 2020), Phú Gia Hà Nội chưa bao giờ phát sinh lợi nhuận mà ngược lại, công ty chìm trong thua lỗ với các khoản lỗ lần lượt là 77,8 tỷ đồng (năm 2016), 77,9 tỷ đồng (năm 2017), 11,4 tỷ đồng (năm 2018), 11,2 tỷ đồng (năm 2019) và 12,8 tỷ đồng (năm 2020). Kết quả là công ty sớm âm vốn chủ sở hữu. Năm 2016, công ty âm vốn 105 tỷ đồng nhưng bước sang 2017, tình hình tồi tệ hơn bao giờ hết khi con số âm vọt lên 183 tỷ đồng. Sau đó, tại thời điểm cuối năm 2020, con số âm “chỉ” còn là 20,8 tỷ đồng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích