5 biến chứng nguy hiểm dễ gặp khi tiêm meso căng bóng da

5 biến chứng nguy hiểm dễ gặp khi tiêm meso căng bóng da

Tiêm meso được nhiều phụ nữ yêu thích nhờ tác dụng giúp làn da săn chắc và căng bóng hơn. Mặc dù phương pháp làm đẹp này khá đơn giản nhưng vẫn có không ít những trường hợp biến chứng, tai biến xảy ra.

Tiêm mesotherapy hay còn gọi là tiêm meso vi điểm là một trong những phương pháp làm đẹp hiện đang được nhiều chị em quan tâm, ưa chuộng. Michel Pistor, bác sĩ người Pháp – chính là cha đẻ của phương pháp này. Kỹ thuật mesotherapy ra đời vào năm 1952. Ban đầu nó được sử dụng để giảm đau nhưng hiện nay được nhiều chị em biết đến như một xu hướng làm đẹp.

Tiêm meso là phương pháp điều trị ít xâm lấn, dùng những đầu kim rất nhỏ đưa lượng nhỏ thuốc vào trong da hoặc phần dưới da, mục đích là tạo nên những kích thích sinh học cũng như giải quyết những vấn đề về da như tình trạng lão hóa da, sạm da, tăng sắc tố da cũng như các vấn đề về sẹo…

t1

Ảnh minh họa

Việc tiêm mesotherapy tạo vết thương nhỏ sẽ kích thích quá trình làm lành và sửa chữa vết thương, cụ thể như tăng sinh collagen, elastin, tăng sinh tuần hoàn, tăng sinh hyaluronic giúp trẻ hóa, làm đầy, giảm nếp nhăn… nhanh hơn. Nhờ đó, làn da sẽ săn chắc và căng bóng hơn.

Mặc dù mang lại những hiệu quả tích cực về da nhưng phương pháp cũng tiềm ẩn một số biến chứng sau tiêm.

Sưng, bầm, chảy máu

Bầm tím da là biến chứng sau khi tiêm meso xảy ra khá phổ biến. Biến chứng này thường gặp ở các liệu pháp tiêm meso, filler, botox… Chị em có làn da mỏng, mạch máu sát biểu bì dễ bị tổn thương hơn khi tiêm.

Dấu hiệu sưng và các vết bầm mức độ nhẹ có thể tự hết sau vài ngày nếu kết hợp chườm lạnh hoặc dùng thuốc kháng viêm. Với trường hợp bầm máu diện rộng và sưng đau kéo dài nên thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.

Mesotherapy là phương pháp tiêm vi điểm, do đó những người có bệnh lý liên quan đến rối loạn đông máu cần cẩn trọng vì sẽ làm tăng thời gian chảy máu sau tiêm. Tuy nhiên, nếu tiêm đúng kỹ thuật, dùng kim đầu nhỏ và không chạm mạch thì phương pháp này gần như hoàn toàm không gây chảy máu.

Kích ứng, dị ứng

Tiêm meso là phương pháp tiêm vitamin, hyaluronic acid, enzyme… và chiết xuất thực vật vào da vì vậy, dị ứng luôn có thể xảy ra nếu cơ thể bệnh nhân nhạy cảm hoặc dị ứng với hoạt chất tiêm.

Dấu hiệu phổ biến là sưng đỏ, ngứa ngáy vùng da mặt sau khi tiêm meso, nổi đốm đỏ, mề đay, cảm giác hoa mắt, chóng mặt, khó thở, sưng tấy môi lưỡi… Trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến sốc phản vệ.

t2

Ảnh minh họa

Nhiễm trùng da

Tiêm meso tại cơ sở kém uy tín sẽ phải đối mặt tình trạng nhiễm trùng với biểu hiện như ửng đỏ, sưng tấy, nóng rát vùng tiêm, đau tại vùng tiêm sau vài ngày, xuất hiện mủ hoặc dịch tiết ra từ vùng tiêm, sờ vào có cảm giác cứng. Nghiêm trọng nhất là tình trạng hoại tử da do tay nghề kỹ thuật viên kém, tiêm không đúng cách làm tắc nghẽn mạch máu…

Có nhiều loại vi khuẩn khác nhau được cấy từ các trường hợp nhiễm trùng biến chứng sau khi tiêm meso. Trong số đó đã có báo cáo nhiễm trực khuẩn lao (mycobacteria) và nhiễm nấm sporotrichum (sporotrichosis). Những trường hợp này, đòi hỏi phải điều trị kháng nấm và kháng sinh phức tạp, làm kháng sinh đồ khi cần, tỉ lệ đề kháng cao và dù cho có đáp ứng tốt với kháng sinh thì việc để lại sẹo là điều khó tránh khỏi.

Phản ứng u hạt

Sau khi tiêm meso, người tiêm có thể cảm nhận được một hoặc nhiều cục cứng dưới da. Những hoạt chất đã được báo cáo có thể gây u hạt gồm: phosphatidylcholine, deoxycholate, buflomedil, silica hoặc carnitine. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp xuất hiện phản ứng u hạt sau khi sử dụng PRDN (DNA cá hồi), nhau thai cừu (placenta) và cả HA.

Mặc dù u hạt không gây nguy hiểm tính mạng nhưng nếu tình trạng kéo dài gây đau, chị em vẫn cần đến bệnh viện để điều trị, không tự ý trích, đốt xử lý sẽ để lại sẹo lõm lớn trên da mặt.

Sốc phản vệ

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, sốc phản vệ sau khi tiêm meso là tình trạng hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm. Người gặp tình trạng này thường có một số dấu hiệu ban đầu như khó thở, thở nhanh, thở mệt, thở nặng nhọc…; dấu hiệu tim mạch như tăng nhịp tim, mạch nhanh, tụt huyết áp; phát ban nghiêm trọng;…

Nghiêm trọng hơn, một số người có dấu hiệu như bứt rứt, mệt mỏi li bì, ý thức không tỉnh táo… Khi xuất hiện các dấu hiệu này, người bệnh cần được cấp cứu ngay tại cơ sở y tế.

Bạn cũng có thể thích