Việt Nam tham gia tích cực, đóng góp có trách nhiệm nhằm xây dựng Cộng đồng Pháp ngữ đoàn kết, vững mạnh
Hội nghị cấp cao cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 18 với chủ đề “Kết nối trong đa dạng: kỹ thuật số – động lực phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ” diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng Pháp ngữ kỷ niệm 50 năm thành lập.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự, phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 18. Ảnh: TTXVN |
Trong hai ngày 19 và 20/11, các đại biểu cùng điểm lại các bước phát triển của Cộng đồng trong 50 năm qua; tái khẳng định sức sống bền bỉ, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đa dạng và sự gắn bó đặc biệt giữa các quốc gia cùng chia sẻ một ngôn ngữ chung là tiếng Pháp.
Các nhà lãnh đạo cũng tập trung thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong không gian Cộng đồng Pháp ngữ; đề ra những định hướng hợp tác chiến lược trong thời gian tới nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, phát huy vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ, thúc đẩy các giá trị về hòa bình, hợp tác, phát triển, đa dạng ngôn ngữ, văn hóa.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Tunisia Kais Saied (Ka-i Sa-ít) khẳng định cam kết mạnh mẽ của Tunisia đối với việc tham gia Cộng đồng Pháp ngữ và đối với các giá trị nền tảng được chuyển tải thông qua tiếng Pháp.
Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo (Lu-i-dơ Mu-si-ki-oa-bô) nhấn mạnh Cộng đồng Pháp ngữ đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong 50 năm qua kể từ khi được thành lập, khẳng định vai trò và vị thế quan trọng của mình, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, kêu gọi các nước cùng xác định những hướng đi trong thời gian tới để xây dựng một Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng năng động hơn, có tầm ảnh hưởng lớn hơn, trở thành một không gian số bao trùm, đồng thời đảm bảo đa dạng văn hóa, ngôn ngữ.
Hội nghị cấp cao cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 18 có chủ đề “Kết nối trong đa dạng: kỹ thuật số – động lực phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ”. Ảnh: TTXVN |
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có bài phát biểu quan trọng nhấn mạnh Cộng đồng Pháp ngữ cần tiếp tục cải cách, đề ra mục tiêu dài hạn để không ngừng phát huy vai trò; đồng thời, nêu 3 nhóm đề xuất lớn về định hướng hoạt động của Cộng đồng thời gian tới, bao gồm:
Một là, tiếp tục phát huy tiếng Pháp là nền tảng của Cộng đồng; hỗ trợ các nước thành viên trong phổ biến tiếng Pháp, đào tạo tiếng Pháp cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Hai là, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo môi trường để tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ kinh doanh; triển khai không gian kinh tế số Pháp ngữ; hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính toàn cầu.
Ba là, tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển trên thế giới và ủng hộ mạnh mẽ duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải ở Biển Đông; kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, Việt Nam tham gia tích cực, đóng góp có trách nhiệm nhằm xây dựng Cộng đồng Pháp ngữ đoàn kết, vững mạnh, có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế, vì lợi ích của người dân, vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Nhân dịp tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có các cuộc gặp với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác ngoại giao, chính trị, kinh tế, thương mại… song phương và đa phương.
Nguồn: Báo lao động thủ đô