VCCI “phải thực sự là trung tâm tập hợp, đoàn kết và hỗ trợ, chỗ dựa tin cậy của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp”
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự và phát biểu chúc mừng. Cùng dự buổi lễ có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và một số địa phương; Đại sứ các nước và các vị khách quốc tế. Sự kiện còn có sự tham dự của đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp cả nước.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao VCCI đã hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao trong 60 năm qua, thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, VCCI đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ, thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Bước vào giai đoạn đổi mới đất nước, với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, VCCI đã chủ động, tích cực, kịp thời tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước nhiều nội dung về kinh tế, thương mại, phát triển doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia các tổ chức và liên kết kinh tế quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, VCCI đã kịp thời nắm bắt tình hình, phản ánh và đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; góp ý phản biện, giám sát thực thi các chính sách; nghiên cứu, khảo sát, công bố năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và nhiều chỉ số quan trọng khác, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi sướng (1986 – 2023), đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta đã có sự lớn mạnh vượt bậc với gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và gần 30.000 hợp tác xã. Cùng với đó, gần 30.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh, nhiều năm bị cấm vận, đến năm 2022, nước ta đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Với kết quả đó, Chủ tịch nước đánh giá sự nỗ lực của VCCI, cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần để đất nước ta chưa bao giờ “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương những kết quả mà đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước; đánh giá cao những sự cống hiến tận tụy, nhiệt huyết của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên VCCI trong 60 năm qua.
“Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện cho sự phát triển, lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; xác định đội ngũ doanh nhân là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong xây dựng, phát triển kinh tế đất nước”.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thì một trong những yêu cầu, đòi hỏi quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có kiến thức và trình độ, có ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc mạnh mẽ, có bản lĩnh vững vàng, khả năng hội nhập cao. Mỗi lực lượng trong xã hội đều có vị trí, vai trò quan trọng, nhưng để đất nước giàu mạnh thì phải trông chờ vào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là lực lượng tiên phong, chủ lực trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
“Phải xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60% – 65%”.
Chủ tịch nước cũng đề nghị mỗi doanh nhân phải luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Mỗi doanh nghiệp phải vững chí lớn, có tầm nhìn chiến lược, coi trọng phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ, lấy đó làm nền tảng, sức mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; phải coi đạo đức, văn hoá kinh doanh là yếu tố cốt lõi trong phát triển của mỗi doanh nghiệp; tăng cường đoàn kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo sức mạnh của thương hiệu Việt trên thương trường.
Một vấn đề quan trọng nữa đó là, để phát triển bền vững, doanh nghiệp, doanh nhân phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, “biết điều gì đúng nên làm để phát huy và điều gì sai không nên làm”. Việc xử lý một số doanh nghiệp, cá nhân sai phạm chính là yêu cầu đề cao thượng tôn pháp luật, là việc bắt buộc phải làm để môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch, để lợi ích chính đáng thuộc về người làm ra nó và xã hội, để loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất trong cơ quan Nhà nước.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, doanh nhân về những thách thức, khó khăn đang gặp phải, song Chủ tịch nước cũng cho rằng, đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân tự đổi mới mình để trở nên mạnh mẽ hơn, vượt qua khó khăn, xây dựng bằng được uy tín của thương hiệu Việt, để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị VCCI “phải thực sự là trung tâm tập hợp, đoàn kết và hỗ trợ, là chỗ dựa tin cậy của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp”. Liên đoàn phải là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với giới doanh nhân, doanh nghiệp, chuyển tải được nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, thực tiễn sản xuất, kinh doanh vào quá trình xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhấn mạnh, trong quá trình đổi mới đất nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận hữu cơ quan trọng trong cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đó là cơ hội để các doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam cam kết tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài theo pháp luật và các điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, Chủ tịch nước khẳng định.
Ngày 27/4/1963, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Quyết định phê chuẩn kết quả Đại hội và Điều lệ Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Từ đó, ngày 27/4/1963 được lấy là Ngày truyền thống của VCCI, tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, đồng hành với sự phát triển của đất nước.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu