Ưu tiên sức khoẻ trong các cuộc đàm phán khí hậu
Ưu tiên sức khoẻ trong các cuộc đàm phán khí hậu
Hơn 40 triệu nhân viên y tế từ khắp thế giới đã tham gia lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác về việc ưu tiên sức khỏe trong các cuộc đàm phán khí hậu.
Vào “ngày Sức khỏe” lần đầu tiên được tổ chức tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), hơn 40 triệu nhân viên y tế từ khắp thế giới đã tham gia lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác về việc ưu tiên sức khỏe trong các cuộc đàm phán khí hậu.
Theo WHO, năm 2023 đã chứng kiến sự gia tăng đáng báo động của các thảm họa liên quan đến khí hậu, bao gồm cháy rừng, nắng nóng và hạn hán, khiến nhiều người dân phải di dời, nông nghiệp thiệt hại, không khí ô nhiễm nhiều hơn…
Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng gia tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh đe dọa tính mạng như dịch tả, sốt rét và sốt xuất huyết.
Tại COP28, các chuyên gia kêu gọi các chính phủ đáp ứng những cam kết mà họ đã đưa ra, thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015 về tăng tốc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và nâng cao hy vọng về một tương lai lành mạnh hơn, công bằng hơn và xanh hơn cho nhân loại.
Điều này đòi hỏi hành động ngay lập tức và mạnh mẽ trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, hỗ trợ người dân tại các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu…
Xây dựng các hệ thống y tế ít thải carbon, có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu để bảo vệ cuộc sống hiện tại và tương lai phải được coi là một trong những ưu tiên trong hành động và tài trợ về khí hậu ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu. Ngành y tế hiện chỉ nhận được 0,5% nguồn tài chính dành cho khí hậu toàn cầu.
Dịp này, các bộ trưởng Bộ Y tế đã thông qua Tuyên bố COP28 về khí hậu và sức khỏe, được 120 quốc gia và vùng lãnh thổ ủng hộ.
Tuyên bố nêu rõ: “Để nỗ lực hướng tới đảm bảo kết quả sức khỏe tốt hơn, bao gồm thông qua chuyển đổi hệ thống y tế để có khả năng chống chọi với khí hậu, ít carbon, bền vững và công bằng, đồng thời chuẩn bị tốt hơn cho cộng đồng và những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, chúng tôi cam kết nhằm thực hiện các mục tiêu chung sau:
– Tăng cường xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm tối đa hóa lợi ích sức khỏe từ các hành động giảm thiểu và thích ứng cũng như ngăn ngừa các tác động xấu về sức khỏe do biến đổi khí hậu, bao gồm thông qua quan hệ đối tác chặt chẽ với người dân bản địa, cộng đồng địa phương, phụ nữ và trẻ em gái, trẻ em và thanh thiếu niên, nhân viên y tế và các học viên, người khuyết tật và những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trước các tác động sức khỏe của biến đổi khí hậu.
– Tạo điều kiện hợp tác giải quyết các thách thức về sức khỏe con người, động vật, môi trường và khí hậu, chẳng hạn như bằng cách triển khai Sáng kiến Một sức khỏe; giải quyết các yếu tố môi trường quyết định sức khỏe; tăng cường nghiên cứu về mối liên hệ giữa các yếu tố môi trường, khí hậu và tình trạng kháng kháng sinh; và tăng cường nỗ lực phát hiện sớm sự lây lan của bệnh từ động vật sang người như một phương tiện hiệu quả để phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
– Nhận thấy rằng dân số khỏe mạnh sẽ đóng góp vào khả năng phục hồi khí hậu và là kết quả của việc thích ứng thành công trên nhiều lĩnh vực – bao gồm lương thực và nông nghiệp, nước và vệ sinh, nhà ở, quy hoạch đô thị, chăm sóc sức khỏe, giao thông và năng lượng.
– Cải thiện khả năng của các hệ thống y tế để dự đoán và thực hiện các biện pháp can thiệp thích ứng chống lại các rủi ro về sức khỏe và bệnh tật nhạy cảm với khí hậu, bao gồm tăng cường các dịch vụ thông tin về sức khỏe khí hậu, giám sát, hệ thống cảnh báo và ứng phó sớm cũng như lực lượng lao động y tế sẵn sàng ứng phó với khí hậu.
– Thúc đẩy phản ứng toàn diện nhằm giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe, bao gồm, chẳng hạn như sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội, mất kiến thức về y học cổ truyền, mất sinh kế và văn hóa cũng như tình trạng di dời và di cư do khí hậu gây ra.
– Chống lại sự bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia, đồng thời theo đuổi các chính sách hướng tới đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, bao gồm SDG3; giảm nghèo đói; cải thiện sức khỏe và sinh kế; tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội, an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, tiếp cận các nguồn năng lượng sạch, nước uống an toàn và vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người; và nỗ lực để đạt được bảo hiểm y tế toàn dân.
– Thúc đẩy các bước nhằm hạn chế phát thải và giảm chất thải trong lĩnh vực y tế, chẳng hạn như đánh giá lượng phát thải khí nhà kính của hệ thống y tế và xây dựng kế hoạch hành động, mục tiêu khử cacbon do quốc gia xác định và tiêu chuẩn mua sắm cho hệ thống y tế quốc gia, bao gồm cả chuỗi cung ứng.
– Tăng cường nghiên cứu xuyên ngành và liên ngành, hợp tác liên ngành, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và theo dõi tiến bộ trong mối liên hệ giữa khí hậu và sức khỏe, bao gồm thông qua các sáng kiến như Liên minh Hành động Biến đổi về Khí hậu và Sức khỏe (ATACH)”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị