Từ câu chuyện ở Vườn thú Hà Nội: Hãy cảnh giác với các “tin giả” trên mạng xã hội!

Muốn đưa thông tin cần có sự kiểm chứng

Ngay sau khi nắm được thông tin, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo vườn thú Hà Nội và được biết, những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội đã được chụp từ cách đây 2 năm, khi các chú Khỉ bị ốm, mắc bệnh rụng lông và được vườn thú lập hồ sơ chăm sóc đặc biệt. Theo ghi nhận chiều ngày (28/1), 2 chú khỉ sau thời gian được các bác sỹ chăm sóc ở khu riêng biệt đã tăng cân và khỏe mạnh.

Lãnh đạo vườn thú Hà Nội thông tin, thời điểm mùa rét năm nay, Ban Quản lý và đội ngũ nhân viên đã có những biện pháp để tránh rét cho động vật như đốt củi, căng bạt, tăng khẩu phần ăn… Trong thời gian Hà Nội rét buốt, không có động vật nào ở sở thú bị ốm hoặc chết.

Được biết, ngay từ đầu tháng 11/2023, vườn thú Hà Nội đã lên kịch bản sẵn sàng chống rét, cụ thể như nhiệt độ dưới 17 độ C, Ban Quản lý sẽ triển khai hệ thống sưởi và bổ sung thức ăn; dưới 15 độ C có thêm củi sưởi… Thú móng guốc là một trong những loài chịu lạnh kém, do đó những bếp củi sưởi ấm cho cả đàn thú sẽ được bổ sung. Tại nơi ở của Hà mã, thức ăn được bổ sung thêm để chống rét. Cùng đó, nước ở bể đầm luôn được giữ ấm, đảm bảo sức khỏe cho Hà mã.

Ở khu nuôi nhốt Hổ, khi trời lạnh, Hổ được quây vào chuồng. Trong chuồng luôn có các tấm sưởi. Còn tại chuồng Voi, những ngày bình thường, 2 con Voi được sưởi bằng máy sưởi điện. Tuy nhiên, khi trời rét có thêm củi sưởi ấm và chuồng trại được che kín, nên 2 con Voi 45 tuổi vẫn rất khỏe mạnh…

“Các nội dung đó thiếu trách nhiệm, vì khi muốn đưa thông tin cần có sự kiểm chứng, nhưng chưa kiểm chứng đã vội vã như vậy, làm ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý cũng như tâm lý của cán bộ, công nhân viên”, ông Nguyễn Công Nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội, nhận định.

Từ câu chuyện ở Vườn thú Hà Nội: Hãy cảnh giác với các
Tại chuồng Voi, khi trời rét có thêm củi sưởi ấm và chuồng trại được che kín nên 2 cá thể Voi vẫn rất khỏe mạnh…

Bức xúc trước việc một số người dùng mạng xã hội sử dụng chiêu trò câu like, câu view, anh Hoàng Đức, phóng viên của một kênh truyền hình cho biết, mạng xã hội chia sẻ với tốc độ chóng mặt về việc sở thú Hà Nội để động vật chết vì đói rét, nhân tiện có việc gần đó tôi chạy qua vườn thú để tìm hiểu thực hư mà thấy lòng lạnh ngắt, vì chúng ta quá dễ tin người khác chỉ bởi họ có nhiều người theo dõi, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

“Hãy tỉnh táo bởi không phải ai cũng là chuyên gia và không phải ai cái gì cũng biết. Dù với bất kỳ hình thức nào, việc đăng những thông tin sai sự thật cũng gây hoang mang, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Hãy luôn là người tỉnh táo trong không gian mạng xã hội, và xây dựng nó trở thành một nơi tích cực cho những điều tốt đẹp”, anh Hoàng Đức chia sẻ.

Cần xử lý nghiêm hành vi tung tin giả

Việc đăng tải các thông tin sai lệch trên mạng xã dù là nhằm mục đích câu like, câu view nhằm tăng tương tác ảo, nhưng tác động của nó tới xã hội lại hoàn toàn có thật. Và trên thực tế, các cơ quan chức năng đã không ít lần xử phạt các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Điển hình như tháng 4/2023, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội và Công an huyện Hoài Đức phát hiện một tài khoản facebook đăng tải nội dung “Từ ngày 16/3/2023, Đối tượng nào không đeo đồng hồ Gshock phạt tiền 102.000.000 đồng” kèm theo hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Qua xác minh, các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội xác định của tài khoản là N.X.T (sinh năm 1996; trú tại Đông La, Hoài Đức). Tiến hành làm việc, anh T đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật.

Công an huyện Hoài Đức đã lập hồ sơ và ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với anh T về hành vi “Cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân” theo điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 14/2022/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Từ câu chuyện ở Vườn thú Hà Nội: Hãy cảnh giác với các
Một trường hợp bị xử phạt vì đăng thông tin giả trên mạng xã hội (Ảnh: CAHN)

Hay như mới đây, khoảng đầu tháng 1/2024, nhiều trang mạng xã hội lan truyền thông tin về Kế hoạch kiểm soát nồng độ cồn của Cục Cảnh sát giao thông và Công an thành phố Hà Nội. Các bài đăng có nội dung: “Cục Cảnh sát giao thông sẽ triển khai làm chuyên đề tại các tỉnh, thành trong thời gian 1 tháng. Tại mỗi tỉnh, thành, sẽ kiểm tra nồng độ cồn trên tất cả tỉnh lộ và quốc lộ từ 8h – 22h hằng ngày”. Đồng thời, các bài đăng còn cho rằng, tại Hà Nội sẽ thành lập 15 tổ 212 đặc biệt, nhằm kiểm soát nồng độ cồn kèm theo hàng chục vị trí, tuyến đường sẽ thực hiện kiểm tra.

Trước thông tin trên, ngày 10/1, phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết, thông tin được lan truyền trên mạng xã hội là sai sự thật. Trong dịp cao điểm sắp tới, các Đội địa bàn và Tổ công tác liên ngành 141 của Công an thành phố Hà Nội tiếp tục làm việc bình thường. Trong đó, vị trí các chốt xử lý vi phạm luôn được đảm bảo bí mật công tác để đấu tranh với nhiều loại tội phạm nên không có chuyện rò rỉ thông tin…

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác khi viết bài, chia sẻ các thông tin, hình ảnh, clip chưa được xác thực; tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố. Các trường hợp chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hoàng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, việc chia sẻ, đăng tải, phát ngôn thông tin trên không gian mạng là quyền tự do của mỗi công dân. Tuy nhiên, khi hoạt động trên không gian mạng mỗi công dân phải có trách nhiệm về thông tin mình đăng tải, cũng như tỉnh táo khi tiếp nhận, chia sẻ các thông tin để hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể mắc phải.

Theo luật sư Nguyễn Hoàng, trên phương diện pháp lý, hiện nay, Việt Nam cũng đã có hành lang pháp lý cho hành vi phát tán tin giả, được quy định trong Luật An ninh mạng và Bộ luật Hình sự. Cụ thể, Luật An ninh mạng đã nêu rõ: Nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác trên không gian mạng.

Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Quy định đã có, tuy nhiên, vẫn có một số lượng lớn người dùng Facebook tại Việt Nam không nắm được quy định pháp luật này.

“Sở dĩ thông tin giả, tin sai sự thật có đất sống trên mạng xã hội là do sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dùng và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tin giả có thể được lan truyền một cách chóng mặt trên môi trường mạng xã hội”, luật sư Nguyễn Hoàng cho hay.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích