Trung Quốc: Xây nhà dày đặc, gần nửa số thành phố lớn đang bị sụt lún

Trung Quốc: Xây nhà dày đặc, gần nửa số thành phố lớn đang bị sụt lún

Gần một nửa số thành phố lớn của Trung Quốc, với dân số 270 triệu dân đang bị chìm dần và những vùng ven biển đối diện nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng.

Theo nghiên cứu được công bố hôm 19/4 trên tạp chí Science, gần một nửa số khu đô thị của Trung Quốc, chiếm 29% dân số cả nước, đang chìm với tốc độ hơn 3 mm mỗi năm. Điều này tương đương với việc 270 triệu người đang sống trên vùng đất bị lún, trong đó có 67 triệu người đang sống trên vùng đất đang bị sụt lún nhanh hơn 10 mm mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu cho biết việc khai thác nước ngầm tràn lan của Trung Quốc là một trong những yếu tố chính gây ra hiện tượng sụt lún. Các thành phố đã bơm nước từ các tầng ngậm nước ngầm nhanh hơn mức nó kịp phụ hồi, tình hình trở nên trầm trọng hơn khi biến đổi khí hậu gây ra hạn hán nặng nề hơn. Việc khai thác quá mức làm giảm mực nước ngầm và khiến vùng đất phía trên bị lún xuống.

Ngoài ra, đất cũng đang bị lún xuống do sức nặng của các thành phố ngày càng tăng. Đất có thể bị nén lại một cách tự nhiên do sức nặng của trầm tích tích tụ theo thời gian và từ các tòa nhà cao tầng nặng đè ép xuống mặt đất, khiến đất liên tục chìm xuống.

Thành phố Thiên Tân với hơn 15 triệu người ở gần Bắc Kinh được xác định là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất. Năm ngoái, 3.000 cư dân tại đây đã phải sơ tán sau một thảm họa địa lý bất thường mà các nhà điều tra cho là do cạn kiệt nguồn nước cũng như việc xây dựng các giếng địa nhiệt.

Tình trạng sụt lún đã gây thiệt hại hơn 7,5 tỉ nhân dân tệ (1,04 tỉ USD) mỗi năm cho Trung Quốc và trong vòng 100 năm tới, gần 1/4 đất ven biển có thể bị sụt xuống thấp hơn mực nước biển, khiến hàng trăm triệu người đối diện nguy cơ lớn hơn về tình trạng ngập lụt.

tm-img-alt
Một tòa nhà bị sụt lún ở Quảng Tây. Ảnh: Getty Images

Nhiều khu vực khai thác than cũ cũng bị ảnh hưởng do tình trạng khai thác quá mức, buộc nhà chức trách thường phải bơm bê tông vào những hố sụt để gia cố.

Sụt lún đất không chỉ là vấn đề riêng ở Trung Quốc. Tại Mỹ, hàng chục thành phố ven biển, trong đó có thành phố New York, đang chìm dần. Ở Hà Lan, 25% đất đai đã chìm xuống thấp hơn mực nước biển. Và Mexico có lẽ là thành phố sụt lún nhanh nhất thế giới, khi đất đang chìm xuống với tốc độ lên tới 50 cm mỗi năm.

Tác động của việc sụt lún ​​thường nghiêm trọng hơn ở khu vực dọc theo bờ biển, nơi mực nước biển cũng đang dâng cao cùng lúc. Sự kết hợp này khiến nhiều đất đai, con người và tài sản bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tàn phá.

Nghiên cứu cho thấy khoảng một phần tư phần bờ biển của Trung Quốc sẽ thấp hơn mực nước biển do sụt lún và mực nước biển dâng cao, khiến khu vực này chịu thiệt hại to lớn và khiến tính mạng người dân gặp nguy hiểm. Nghiên cứu cho thấy Thiên Tân, Thượng Hải và các khu vực xung quanh Quảng Châu bị ảnh hưởng đáng kể bởi cả hai vấn đề này.

tm-img-alt
Mật độ các tòa nhà tại Thượng Hải của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, một số khu vực ven biển ở Trung Quốc đã xây dựng hệ thống bảo vệ vật lý khỏi nguy cơ ngập lụt ngày càng tăng và nghiên cứu này không tính đến những biện pháp bảo vệ đó. Ví dụ, ở Thượng Hải, ông Shengli Tao, đồng tác giả nghiên cứu và giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, cho biết thành phố đã xây dựng được hệ thống đê ấn tượng cao hàng mét.

Theo ông Shengli Tao cho biết: “Các hệ thống đê ven biển khổng lồ như vậy sẽ làm giảm phần lớn nguy cơ bị ngập lụt ngay cả khi đất bị sụt lún và mực nước biển dâng cao. Tôi không biết có quốc gia nào khác xây dựng hệ thống đê điều khổng lồ như vậy hay không”.

Theo ông Leonard Ohenhen, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Virginia Tech nhận định: “Hầu hết các thành phố đô thị đều bị sụt lún đất, nhưng chúng tôi tập trung chú ý vào các thành phố ven biển vì mực nước biển dâng cao. Tuy nhiên, hầu hết các thành phố đô thị đều trải qua tình trạng sụt lún đất ở mức tương đương hoặc thậm chí lớn hơn mức sụt lún ở các thành phố ven biển”.

Ông Shengli Tao nói thêm, chính phủ Trung Quốc đang giải quyết vấn đề sụt lún và chìm dần ​​bằng một số cách, bao gồm thực thi luật nghiêm ngặt để kiểm soát việc bơm nước ngầm trong vài năm qua. Thượng Hải và các khu vực xung quanh đã hạn chế khai thác nước ngầm, điều này đã làm chậm tốc độ sụt lún của khu vực. Ông cho biết, nhiều thập kỷ trước, tình trạng sụt lún ở Thượng Hải là một vấn đề rất nghiêm trọng. 

Trung Quốc cũng đã bơm nước từ sông Dương Tử ở miền nam đến miền bắc Trung Quốc, bao gồm cả Bắc Kinh, nơi đang bị thiếu nước. Nghiên cứu cho thấy dự án ngăn chặn nhu cầu bơm nước ngầm quá mức đã ngăn chặn tình trạng sụt lún đất ở Bắc Kinh.

“Tôi tin rằng những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc sẽ giải quyết được vấn đề sụt lún đất. Nhưng tôi đề nghị tiếp tục kiểm soát việc khai thác nước ngầm ở các thành phố lớn và liên tục duy trì hệ thống đê điều ở các vùng đất ven biển”, ông Shengli Tao nhấn mạnh.

Theo Reuters, tình trạng đô thị bị sụt lún không phải vấn đề của riêng Trung Quốc. Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 2 cho thấy khoảng 6,3 triệu km2 đất đai trên toàn cầu đang gặp nguy cơ. Trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nhất là Indonesia, với phần lớn diện tích thủ đô Jakarta đã thấp hơn mực nước biển. Trong số 44 thành phố lớn ven biển đang chịu tình trạng sụt lún này, có 30 thành phố tại châu Á, theo một nghiên cứu năm 2022 tại Singapore.

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích