TP.HCM: Người dân cần báo Công an khi phát hiện băng nhóm tín dụng đen

Theo Ban chỉ đạo 138 TP.HCM, thời gian qua, các loại hình quảng cáo, rao vặt được dán, vẽ, treo tại nơi công cộng (nhà chờ xe buýt, cột điện, trụ điện, cây xanh, tường rào xung quanh các công trường xây dựng, tường cơ quan, doanh nghiệp, trường học, nhà dân…) diễn ra phổ biến trên địa bàn TP.HCM gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến nếp sống văn minh, văn hóa đô thị.

Đặc biệt, các nội dung quảng cáo liên quan hoạt động cho vay tài chính là một trong những phương thức, thủ đoạn đối tượng hoạt động tội phạm “tín dụng đen” sử dụng để tiếp cận người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, cuộc sống bình yên của người dân.

TP.HCM: Người dân cần báo Công an khi phát hiện băng nhóm tín dụng đen
Sổ ghi nợ và một số giấy tờ liên quan của một số người dân được các đối tượng tín dụng đen thu giữ để bắt trả nợ. Ảnh: CACC

Do đó, để tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, bóc gỡ, tẩy xóa sản phẩm quảng cáo của các đối tượng hoạt động cho vay tài chính, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Ban chỉ đạo 138 TP.HCM yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo 138 tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban chỉ đạo 138 TP.HCM về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn; phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo để người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức trong việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về quảng cáo.

Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát chặt chẽ, xử lý kiên quyết các trường hợp dẫn quảng cáo trái quy định gây mất mỹ quan; tháo dỡ các biển quảng cáo có nội dung, hình thức, thiết kế không phù hợp, treo, lắp không đúng quy cách, quá thời hạn cho phép.

Đồng thời, có biện pháp vận động các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm; tự giác tháo gỡ các sản phẩm in ấn, quảng cáo trong phạm vi khuôn viên gia đình, cơ sở của cá nhân, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị “xanh, sạch, đẹp”.

Nghiên cứu, quy hoạch, bố trí các điểm, khu vực đặt các bảng thông tin quảng cáo, rao vặt miễn phí nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo, rao vặt đúng quy định.

Đặc biệt, Ban chỉ đạo 138 TP.HCM đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng các đoàn thể, tổ chức phát động phong trào, huy động đoàn viên, hội viên, thanh niên phối hợp với lực lượng chức năng ra quân tháo gỡ bảng hiệu, tẩy xóa tờ rơi, quảng cáo… trong đó có các quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen”. Tập hợp các số điện thoại, địa chỉ, thông tin được các đối tượng cung cấp trên các tờ rơi báo cho lực lượng công an cơ sở (công an phường, xã, thị trấn) để tập hợp về Công an TP.HCM phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Ban Chỉ đạo 138 quận, huyện, thành phố Thủ Đức được giao chỉ đạo các ban, ngành và các tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương tuyên truyền, phát động cho nhân dân nắm các quy định về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo để chủ động chấp hành đúng pháp luật; nắm tình hình, cung cấp thông tin, hình ảnh về các đối tượng nghi vấn hoạt động vi phạm cho đơn vị chức năng của địa phương để xử lý theo thẩm quyền.

Trường hợp phát hiện đối tượng, băng nhóm nghi vấn hoạt động tín dụng đen kịp thời cung cấp thông tin đến Công an cấp huyện, Công an cấp xã để tiếp nhận, điều tra làm rõ.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo xác nhận khuôn mặt

Công an TP.HCM cho biết, thời gian qua, trên không gian mạng xuất hiện hình thức lừa đảo mới thủ đoạn của đối tượng là giả dạng cán bộ cơ quan chức năng (cán bộ Công an, cơ quan thuế…) hoặc người thân, quen của nạn nhân (đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake để giả dạng hình ảnh và giọng nói) thực hiện video call với nạn nhân để tạo sự tin tưởng. Trong lúc video call, bằng nhiều thủ đoạn, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân thực hiện nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải…

Bên cạnh đó, đối tượng sẽ ghi lại video và dùng nó để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử với đứng tên nạn nhân. Theo Công an TP.HCM, tài khoản ngân hàng, ví điện tử đó có thể sử dụng vào mục đích lừa đảo hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Nạn nhân khó có thể chứng minh sự vô can của mình do đã thực hiện bước định danh cá nhân (KYC).

Công an TP.HCM khuyến cáo người dân cảnh giác với các cuộc gọi video yêu cầu thực hiện các “hành động lạ” như nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống… Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra, sẽ làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo gửi đến chính quyền, cá nhân, tổ chức đó, tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật.

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích