Toạ đàm “phát triển nhà ở cho công nhân – thực trạng và giải pháp” 

Tham dự tọa đàm, về phía Bộ Xây dựng có: PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường; bà Tống Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế; PGS.TS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia; ông Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng; ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; ông Vũ Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc; ông Đỗ Văn Quảng – Phó Chủ tịch Công đoàn xây dựng Việt Nam cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Xây dựng.

Về phía Báo Xây dựng có: ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng Biên tập Báo Xây dựng; TS.Phạm Gia Yên – cố vấn Báo Xây dựng cùng các Phó Tổng biên tập.

Ngoài ra còn có đại diện các Sở Xây dựng, doanh nghiệp và đại biểu từ 10 điểm cầu trên cả nước như: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng… và một số khu công nghiệp trên cả nước được kết nối trực tuyến.

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Lĩnh vực công nghiệp đóng góp lớn, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 2/2021, Việt Nam hiện có 370 khu công nghiệp được thành lập (bao gồm 328 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 34 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn ha. Các khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, các khu công nghiệp của nước ta hiện vẫn đang chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chứ chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội cho người lao động. Trong khi đó, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến năm 2020, có 2,7 triệu công nhân trong khu công nghiệp, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, vì vậy, bức thiết về nhà ở cho công nhân luôn nóng bỏng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 (đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020). Đang tiếp tục triển khai 278 dự án với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2. Trong đó, đối với nhà ở xã hội ở dành cho công nhân khu công nghiệp, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6.700.000 m2.

Cũng theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, thì nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 là khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, có tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng.

Trong gần 2 năm qua, diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19 đã đặt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. Đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại, gây tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Hiện nay, ở các các khu công nghiệp đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Khi dịch Covid – 19 bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều mối lo do mật độ đông, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo… bên cạnh đó, có khu công nghiệp đã xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhưng không đạt tỷ lệ lấp đầy, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và hết sức băn khoăn.

Tại sao lại có sự “lệch pha” như vậy? Và thực tiễn đang đặt ra những “bài toán” cần giải quyết, tránh trường hợp, nhà xây xong không có người thuê, trong khi người lao động vẫn không có chốn an cư để gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Làm thế nào để vận hành khai thác quỹ nhà ở công nhân sau đầu tư đạt hiệu quả cao nhất, góp phần ổn định đời sống công nhân và an ninh chính trị tại địa phương?

Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách để thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, còn độ vênh giữa quy định pháp luật với thực tiễn để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này.

Chính vì vậy, toạ đàm trực tuyến với chủ để “phát triển nhà ở cho công nhân – rthực trạng và giải pháp” sẽ cùng đặt ra những vấn đề cần khắc phục để góp phần đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
Ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng phát biểu khai mạc tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: được sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức tọa đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “phát triển nhà ở công nhân – thực trạng và giải pháp” nhằm tổng kết các vấn đề thiếu trong hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân; đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới. Chúng ta sẽ làm rõ một số vấn đề như, thực trạng thủ tục đầu tư nhà ở công nhân có phiền hà, phức tạp, vướng mắc không? Nếu có thì vướng mắc gì và chúng ta sẽ đi tìm giải pháp tháo gỡ.

Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân là yếu tố quan trọng để mang lại hiệu quả sản xuất, đem đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Hơn thế, môi trường kinh doanh khép kín sẽ đảm bảo duy trì cho việc sản xuất trong thời điểm dịch bệnh Covid – 19 diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Nhất là trong đợt dịch Covid – 19 lần 4 vừa qua, đã phát lộ đầy đủ hơn vấn đề bức xúc của công nhân lao động – đó là nhà ở.

Mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, thực tế thực hiện còn nhiều vướng mắc, còn độ vênh giữa quy định và thực tiễn.

Ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh: tôi hy vọng buổi tọa đàm hôm nay sẽ tập trung được nhiều ý kiến, kiến nghị chất lượng nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ cơ chế chính sách đến trình tự đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Những kiến nghị của các sở ngành, các chuyên gia, các doanh nghiệp… sẽ được Báo Xây dựng tổng hợp để báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
TS. Phạm Gia Yên – cố vấn Báo Xây dựng.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Phạm Gia Yên – cố vấn Báo Xây dựng chia sẻ: những năm qua, giá thành nhân công tại Việt Nam khá rẻ, nên việc khuyến khích và chăm lo đời sống công nhân tại các khu công nghiệp chưa được tốt. Sau khi Luật Nhà ở ra đời, chúng tôi có chuyến thăm đến các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai thì thấy đời sống của công nhân tại đây còn khá khó khăn. Trong khi đó, quy hoạch khu công nghiệp lại không có quy hoạch nhà ở công nhân, vì vậy người lao động phải tự đi thuê nhà, cuộc sống sinh hoạt ăn ở rất bấp bênh.

Đợt dịch Covid – 19 vừa qua, chúng ta đã có một cách nhìn khác về vấn đề này. Hàng trăm nghìn công nhân, người lao động rời bỏ các khu công nghiệp về quê, dẫn đến các khu công nghiệp thiếu lao động, tăng trưởng kinh tế hạn chế. Do đó, chủ đề tọa đàm ngày hôm nay là đúng và trúng những vấn đề mà Đảng, Quốc hội quan tâm. Vì vậy, mong muốn các tham luận sẽ tập trung vào một số nội dung chính. Đó là về những người trực tiếp lao động, trực tiếp tạo ra các sản phẩm và đội ngũ quản lý cấp Sở cần có trách nhiệm trả lời trước nhân dân, trước doanh nghiệp. Qua đó, các cơ quan Bộ Xây dựng, các Cục, Vụ, Viện tổng hợp kiến nghị thành các chính sách, tham khảo, để báo cáo Bộ trưởng, các cơ quan quản lý Nhà nước.

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo đó để phát triển nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Ngày 24/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê.

Ngày 30/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2127/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó nêu rõ quan điểm, định hướng giải quyết nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp theo hướng Nhà nước chủ động tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho thuê; đồng thời có chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính-tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua đối với các hộ gia đình, cá nhân là công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Để triển khai thực hiện các mục tiêu và giải pháp đã đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, nhiều chính sách liên quan đến khuyến khích ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân đã được Chính phủ ban hành trong đó có Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Với mục tiêu ngày càng hoàn thiện các chính sách về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, Quốc hội khoá XIII năm 2014 đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi (thay thế Luật Nhà ở 2005). Để triển khai thi hành Luật Nhà ở năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (thay thế Nghị định số 188/2013/NĐ-CP) và được điều chỉnh, bổ sung một số điều tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021. Theo đó, ngoài các chính sách chung về nhà ở xã hội thì pháp luật về nhà ở đã có những cơ chế, chính sách riêng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động.

Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động khu công nghiệp, ngày 12/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án “đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020), theo đó giao Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì thực hiện; các Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm tham gia phối hợp, trong đó có Bộ Xây dựng; mục tiêu từ năm 2026 trở đi, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiều Nghị quyết, Chỉ thị giao các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân KCN như: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021; Chỉ thị số 03/CT-TT ngày 25/01/2017; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2 (đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020); đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2. Trong đó: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6.700.000 m2.

Trong 09 tháng đầu năm 2021 đã hoàn thành 15 dự án với 3.858 căn, 192.900 m2. Được cấp phép đầu tư mới 6 tháng đầu năm 2021, 7 dự án với 3.341 căn, 167.050 m2. Đối với việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, tổng hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và báo cáo của các địa phương thì mục tiêu đến năm 2020 cả nước dành khoảng 600ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350 ha).

Như vậy việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Theo quy định pháp luật về nhà ở, đối với nguồn vốn hỗ trợ nhà ở xã hội thì chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân được thực hiện giống như nhà ở xã hội dành cho các đối tượng theo Điều 49 Luật Nhà ở.

Theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016 – 2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động thêm 2.163 tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo quy định). Theo báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong cả giai đoạn 2020 – 2025 mới chỉ có khoảng 2.270 lượt khách hàng là người lao động được vay vốn theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, với dư nợ khoảng 794 tỷ đồng.

Đối với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn 2016 – 2020 chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Kết quả phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở).

Ông Phạm Văn Ân – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD): HUD đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cán mốc triển khai 1.000.000 m2 nhà ở xã hội

Trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội nói chung, nhà ở công nhân nói riêng rất lớn cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước do những hiệu quả kinh tế – xã hội mà nhà ở xã hội mang lại như các ý kiến vừa phát biểu tại Tọa đàm, nhưng có lẽ không nhiều nhà đầu tư quan tâm đến loại hình này do: giới hạn về lợi nhuận dự án; giới hạn về đối tượng khách hàng; so với các dự án nhà ở thương mại cần thêm một số thủ tục liên quan đến dự án nhà ở xã hội: phê duyệt giá, danh sách khách hàng,…Trong dự án nhà ở xã hội bắt buộc phải bố trí một phần diện tích nhà cho thuê nên cũng phần nào làm giảm sự hấp dẫn của phân khúc này,…

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
Ông Phạm Văn Ân – Phó Tổng Giám đốc HUD.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp không mặn mà với nhà ở xã hội nói chung và nhà ở công nhân nói riêng, HUD vẫn quan tâm và đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội do một số lý do sau: HUD là doanh nghiệp Nhà nước, một doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, HUD có trách nhiệm thực hiện các chủ trương chính sách trong lĩnh vực phát triển nhà ở của Đảng, Chính phủ và của Bộ Xây dựng nói chung, chủ trương phát triển nhà ở xã hội nói riêng; thực hiện vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước trong các chính sách an sinh xã hội, giải quyết nhu cầu an cư cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở.

Một số dự án khu đô thị mới do Tổng Công ty HUD đầu tư có bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy định; Tổng Công ty xây dựng quỹ nhà ở xã hội tại quỹ đất này góp phần nhanh chóng phủ kín dự án, hiện thực hóa quy hoạch chi tiết được duyệt, thu hút người dân đến định cư tại dự án. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, đây là ngách thị trường với sự cạnh tranh đầu vào ở mức độ thấp hơn, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Nhà nước có thể tham gia; tất nhiên cũng chỉ tham gia các dự án mang tính khả thi, đảm bảo hiệu quả.

Việc tham gia các dự án nhà ở xã hội giúp tổng công ty phát huy bộ máy chuyên nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý nhà với nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên môn, có bề dày kinh nghiệm. Đây là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi giảm giá thành, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách xã hội dễ tiếp cận trong phạm vi thu nhập còn hạn hẹp của mình.

Một điều khá thuận lợi là Nghị định 49/2021/NĐ-CP do Bộ Xây dựng chủ trì dự thảo, được Chính phủ ban hành ngày 01/4/2021, một số khó khăn vướng mắc trước đây đã cơ bản được tháo gỡ. Bên cạnh đó, rất nhiều quy định mới trong Nghị định 49/2021/NĐ-CP sẽ mang lại những ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho cả nhà đầu tư và người mua nhà, nhất là đối với người mua nhà, như nguồn vốn phục vụ dự án, vốn cho người vay mua nhà, quỹ đất phát triển dự án,…

Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng, với những điểm mới về phương thức, cơ chế chính sách, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội nói chung, nhà ở công nhân nói riêng cũng như các dự án nhà ở xã hội của HUD.

HUD đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cán mốc triển khai 1.000.000 m2 nhà ở xã hội tương đương với khoảng hơn 11.000 căn ở nhà ở xã hội mang thương hiệu HUD, trong đó có một tỷ trọng đáng kể là nhà ở phục vụ công nhân.

Ông Trần Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera – CTCP: Quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

Tổng Công ty Viglacera đã xây dựng nhiều nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tại các khu công nghiệp của công ty đều có các khu nhà ở công nhân. Thực tế cho thấy, qua những đợt dịch Covid – 19, việc công nhân được an cư trong những khu nhà ở đã góp phần để giúp hoạt động sản xuất của công ty được duy trì ổn định.

 Ông Trần Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera – CTCP.
 Ông Trần Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera – CTCP.

Có thể thấy, dù chính sách đã có khá nhiều, nhưng vẫn còn điểm nghẽn, gây khó khăn cho công nhân và cả những công ty tại khu công nghiệp. Đáng chú ý, nhiều khu công nghiệp có đầy đủ và đồng bộ hạ tầng, tạo ra môi trường, cảnh quan rất hiện đại, đầy đủ. Tuy nhiên, qua khảo sát, có đến 80 – 90 % công nhân lao động đều ở tạm cư. Tại khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100 nghìn công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10 nghìn người, còn lại hơn 90 nghìn công nhân là thuê nhà trọ. Cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều mong muốn được thuê, sử dụng nhà ở nhưng không được thuê do còn vướng chính sách.

Bà Vũ Thị Hợp – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp: luôn ưu tiên phục vụ đời sống cho công nhân lao động

Công ty Dạ Hợp đã triển khai đầu tư an sinh xã hội về nhà ở công nhân từ rất sớm, từ những năm 2011. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhà ở tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là pháp lý và quy định pháp luật còn xung đột, chồng chéo với nhau.

Hiện nay, Dạ Hợp đã đầu tư xong 2 dự án nhà ở công nhân và đang tiếp tục đầu tư 3 dự án nữa. Dù không dự án nào có lãi, nhưng với vai trò là chủ đầu tư hạ tầng công nghiệp, Dạ Hợp luôn ưu tiên phục vụ đời sống cho công nhân lao động.

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
Bà Vũ Thị Hợp – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình.

Vì lý do đó, đại diện Công ty Dạ Hợp có 4 đề xuất đến tọa đàm hôm nay: các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần chú ý đến thói quen sinh hoạt, văn hóa… của người lao động; quan tâm hơn đến vai trò, vị trí của công nhân; Chính phủ nên ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở công nhân cho các ngân hàng thương mại thay cho ngân hàng chính sách thì việc sử dụng vốn sẽ được hiệu quả hơn; Chính phủ tiếp tục giao các chỉ tiêu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khi xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp mong muốn các dự án không cần qua đấu thầu mà nên chấm điểm để lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec: cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư

Để xây dựng Luật Nhà ở trong đó có nhà ở xã hội cần tích hợp giữa các Luật: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Thuế, các quy định, Nghị định về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Đối với Luật Đất đai, Luật Quy hoạch cần quy định rõ ràng, cơ chế thông thoáng.

Nhu cầu nhà ở công nhân qua đợt dịch Covid – 19 vừa qua là rất lớn và cần thiết. Các khu vực thuê, nhà ở tạm của công nhân qua đợt dịch là nỗi lo của các chủ đầu tư tại các khu công nghiệp. Tất cả các chủ đầu tư nhà máy, chủ đầu tư các khu công nghiệp không nỡ để công nhân, người lao động ở như vậy.

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec – Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền – tại điểm cầu trực tuyến tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng).

Theo quy định có 3 loại hình nhà ở cho công nhân: nhà trọ của hộ gia đình cho công nhân thuê; nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở; ký túc xá phục vụ cho công nhân. Cần coi chủ thể người lao động là chủ thể quan trọng, không phải dạng lao động thu nhập thấp, vì vậy các quy định về luật pháp, về quy hoạch cần phải nói rõ xây dựng nhà ở công nhân phải có tiện ích hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư khi họ cần có nguồn vốn thương mại, cần hỗ trợ lãi suất để công nhân được hưởng lợi… từ đó, chủ đầu tư có lãi, có động lực để phát triển các dự án nhà ở công nhân.

Ông Đào Công Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang: thay đổi một số cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân tiếp cận nhà ở xã hội).

Bắc Giang hiện có khoảng 1.482 dự án đang hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số khoảng 238.000 công nhân (trong đó, công nhân tại khu công nghiệp khoảng 190.000 người, tại cụm công nghiệp khoảng 48.000 người). Số công nhân có nhu cầu về nhà ở hiện nay khoảng 124.000 người (chiếm khoảng 52); công nhân đang thuê nhà trọ trong nhà của các hộ dân khoảng 58.000 người (chiếm 24,4%) với điều kiện sinh hoạt hạn chế, thiếu các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại… số công nhân không có nhà lưu trú hàng ngày phải đi làm bằng phương tiện cá nhân hoặc xe khách công cộng, đã ảnh hưởng đến thời gian và hiệu suất lao động, gây ách tắc, mất an toàn giao thông, hàng năm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến công nhân ở các khu công nghiệp đều tăng.

Xác định đây là việc cấp bách và cần thiết, Sở Xây dựng Bắc Giang đã tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển nhà ở công nhân tầm nhìn đến 2025, xây dựng đề án xây dựng nhà ở công nhân.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay mới có 02 dự án nhà ở công nhân do doanh nghiệp xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng: Công ty TNHH Fuhong – Đình Trám (Việt Yên) và Công ty TNHH MTV Than 45 – Sơn Động đáp ứng khoảng 6.550 công nhân. Có 19 vị trí khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang triển khai xây dựng và thu hút đầu tư lập quy hoạch. Hiện nay có 9 dự án đã chấp thuận nhà đầu tư, đang triển khai thi công và đang chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 57,6 ha, đáng ứng cho khoảng 59.825 công nhân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập như quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân chưa đồng bộ với khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các chủ đầu tư hiện đang “bỏ quên” người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận. Do đó, để giữ chân người lao động, trong quy hoạch xây dựng nhà ở phải đồng bộ, gắn liền với khu công nghiệp. Ngoài ra, trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư còn quá dài. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án cũng khó khăn. Bất cập lớn nhất là việc giao đất thực hiện theo Luật Đất đai còn gây khó khăn cho liên danh nhà thầu, liên danh chủ đầu tư.

 Ông Đào Công Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang.
 Ông Đào Công Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang.

Do đó, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang có một số kiến nghị như sau:

Một là, cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp sử dụng lao động được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu dự án (hồ sơ kèm theo danh sách dự kiến hợp đồng lao động với công nhân) để cho công nhân mình thuê ở.

Hai là, công nhân lao động trong khu công nghiệp khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nhiệp sản xuất trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp phải được Ban Quản lý các khu công nghiệp xác nhận).

Ba là, đối với nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp ở thì doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án khi đáp ứng điều kiện năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bốn là, sửa Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế: theo hướng quy hoạch khu công nghiệp phải quy hoạch đồng bộ khu dịch vụ trong khu công nghiệp để dành đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở (phải đáp ứng tối thiểu chỗ ở cho 50% số công nhân trong khu công nghiệp đó); phải giao trách nhiệm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở.

 

Ông Tăng Bá Bay – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương: Thực tiễn thực hiện đòi hỏi nhiều chính sách đặc thù

 

Hiện Hải Dương có 18 khu công nghiệp với diện tích khoảng 3.500 ha. Trong đó có 12 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 83%, khoảng 108.000 người lao động đang ở tại khu công nghiệp. Do khó khăn về nhà ở nên đời sống tinh thần của công nhân khá khó khăn, nghèo nàn, an ninh trật tự không đảm bảo, do vậy nhu cầu về nhà ở cho công nhân là rất cấp bách.

Hiện nay, khó khăn về nguồn vốn ngân sách, cơ chế chính sách chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Quy hoạch nhà ở cho công nhân chưa gắn với quy hoạch khu công nghiệp. Các khu công nghiệp có gắn với nhà ở công nhân, nhưng khu nhà ở này chưa có chủ đầu tư.

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
Ông Tăng Bá Bay – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương tại điểm cầu tỉnh Hải Dương.

Vì vậy, Sở Xây dựng Hải Dương đề nghị nên xem xét, sửa đổi theo hướng: khi lập quy hoạch khu công nghiệp, tính toán dự báo số lượng công nhân tại khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở (từ 50 – 60% số lượng công nhân), từ đó bố trí đủ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở cho công nhân (đảm bảo yêu cầu đồng bộ bao gồm khu nhà ở và các thiết chế văn hóa kèm theo). Ưu tiên xây dựng nhà trọ cho thuê phụ thuộc vào phong tục tập quán, độ tuổi.

Gắn trách nhiệm bắt buộc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp có trách nhiệm phải đầu tư khu nhà ở công nhân và được xem khu nhà ở cho công nhân tương tự như hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp mà chủ đầu tư thực hiện.

Về cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư, chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng (nếu có) và được khấu trừ chi phí này khi nộp tiền sử dụng đất kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai để được hưởng ưu đãi tương tự như quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội 20% trong các dự án nhà ở thương mại.

Về vay vốn để xây dựng, mua, thuê mua nhà ở xã hội: Theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, chủ đầu tư dự án được vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; cá nhân được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trường hợp chủ đầu tư và cá nhân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội không cùng vay vốn tại một tổ chức tín dụng sẽ không thể ký hợp đồng mua bán do tài sản đã được chủ đầu tư thế chấp, không đủ điều kiện để tổ chức tín dụng cho người mua nhà vay vốn giải ngân. Vì vậy, cần xem xét quy định tổ chức tín dụng chủ đầu tư vay vốn đồng thời là đơn vị cho vay đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội tại cùng dự án.

Cho phép chủ đầu tư được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công tác tư vấn, thi công xây lắp … nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.

PGS.TS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thông quốc gia (Bộ Xây dựng): thời kỳ vàng để lập quy hoạch xây dựng và quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở công nhân

Quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia nhằm định hướng quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp Việt Nam phát triển đồng bộ với hệ thống đô thị, nông thôn quốc gia, đảm bảo phát triển bền vững.

Tuy nhiên, với tất cả nỗ lực trong những năm qua, ngay cả khi 100 dự án sắp hoàn thành cũng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công nhân. Tình trạng nhà ở công nhân được cải thiện phần nào nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, hạ tầng xã hội ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng cuộc sống.

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
PGS.TS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng).

Để giải quyết bài toán về nhà ở cho công nhân, cần đưa ra một hệ thống giải pháp tổng hợp, đa ngành. Cụ thể là: đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội nhà ở công nhân, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”: bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.

Yêu cầu rõ trong nội dung đề xuất phát triển các khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh phải tính đến việc bố trí nhà ở cho công nhân và các thiết chế xã hội liên quan gắn với việc phát triển, phân bố hệ thống khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong khi chờ các giải pháp tổng thể, các địa phương rà soát đối với các khu công nghiệp, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân. Các tỉnh, thành phố khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Bên cạnh đó, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân cần được nâng cao chất lượng; có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp. Các địa phương cần bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao… trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội; nhất là tại khu vực có đông công nhân và người lao động. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Ông Bùi Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên: Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được 1 triệu m2 mặt sàn, đáp ứng 50% số lượng công nhân hiện đang làm việc trên địa bàn

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 15 khu công nghiệp với diện tích 3.800 ha, thành lập 16 cụm công nghiệp với diện tích 1.500 ha. Thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 19, tỉnh Hưng Yên đã ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển nhà ở công nhân. Hiện, Tỉnh ủy Hưng Yên có xây dựng chương trình hành động, thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Ngoài ra, Hưng Yên đã dành quỹ đất 180ha cho dự án nhà ở, hiện có 3 dự án được chấp thuận với diện tích 26 ha nhưng công tác triển khai còn chậm.

Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thiếu hấp dẫn, do đó nhà đầu tư chưa muốn đầu tư; thủ tục hành chính, quy trình thực hiện các dự án nhà ở công nhân còn phức tạp, khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự đồng thuận của chủ đầu tư với chính quyền địa phương; các nhà đầu tư chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng…

Ông Bùi Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên tại điểm cầu Sở Xây dựng Hưng Yên.
Ông Bùi Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên tại điểm cầu Sở Xây dựng Hưng Yên.

Mục tiêu của tỉnh Hưng Yên là đến năm 2025, xây dựng được 1 triệu m2 mặt sàn, đáp ứng 50% số lượng công nhân hiện đang làm việc trên địa bàn.

Một số giải pháp mà Sở Xây dựng Hưng Yên đã đề xuất như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính như công tác thẩm định môi trường, thủ tục đầu tư, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy…việc quy hoạch xây dựng, lập thẩm định các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân. Huy động mạnh mẽ nguồn vốn, ngân sách nhà nước vào các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội của tỉnh. Cuối cùng, nên cho phép thành lập quỹ nhà ở công nhân, hỗ trợ tối đa cho công nhân được tiếp cận những ưu đãi của nhà nước.

Ông Đỗ Văn Quảng – Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam: giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nhà ở xã hội cho công nhân.

Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020, thu nhập của công nhân (bao gồm cả tiền lương làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các loại phụ cấp khác) trong khoảng từ 6,7 – 7,8 triệu đồng/người/tháng tùy theo từng ngành nghề. Với mức thu nhập này, nếu không được hỗ trợ từ gia đình và người thân, người lao động rất khó có đủ tiền để mua nhà ở xã hội.

Về chi phí nhà ở, theo Báo cáo của Hội đồng tiền lương quốc gia về xác định mức sống tối thiểu năm 2020 của người lao động, chi phí cho nhà ở (thuê nhà và sửa chữa nhỏ nhà ở) chiếm khoảng 9,6% đến 9,8% mức lương tối thiểu vùng. Chi phí này thấp hơn nhiều so với giá thuê nhà thực tế trên thị trường.

Khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn cho thấy, công nhân chưa tiếp cận được với nhà ở xã hội do một số nguyên nhân: thu nhập thấp, đặc biệt lao động phổ thông, lao động ngoại tỉnh nuôi con nhỏ, thu nhập gần như chỉ đủ chi tiêu tằn tiện; giá nhà ở xã hội, mặc dù đã khá thấp, nhưng vẫn vượt quá khả năng chi trả của hầu hết công nhân có nhu cầu mua nhà; phần lớn người lao động trẻ chưa xác định gắn bó lâu dài tại một doanh nghiệp, trên một địa bàn, thường nhảy việc, chuyển việc, dịch chuyển nhiều địa bàn nên chưa muốn ở một nơi cố định; thiết kế, công năng, cách thức quản lý tại một số khu nhà ở xã hội chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, thói quen, lối sống… của người lao động.

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
Ông Đỗ Văn Quảng – Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam.

Công đoàn Xây dựng Việt Nam đề xuất một số giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nhà ở cho công nhân, như sau: Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân như: Vốn, quỹ đất, thủ tục hành chính, thiết kế mô hình mẫu … giúp chủ đầu tư giảm thời gian xét duyệt hồ sơ, tiết giảm chi phí đầu tư, giảm giá nhà, gia tăng lợi nhuận. Có chính sách hỗ trợ công nhân khi mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Cần có quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà tại các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, đảm bảo các dự án nhà ở xã hội cho công nhân thì chỉ dành cho đối tượng là công nhân, không để người không đúng đối tượng được mua với mục đích đầu cơ, kiếm lời.

Trước khi triển khai dự án nhà ở xã hội cho công nhân, cần tiến hành khảo sát, nắm chắc nhu cầu về nhà ở của công nhân trên địa bàn để có cơ cấu hợp lý giữa căn hộ để bán và cho thuê. Thiết kế căn hộ hợp lý với từng đối tượng khách hàng là hộ gia đình, người độc than… có chính sách giá bán, giá cho thuê phù hợp với đối tượng là công nhân, người có thu nhập thấp.

Các dự án nhà ở xã hội cho công nhân cần có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho đối tượng là công nhân như: nhà trẻ, mẫu giáo, bãi gửi xe, cây rút tiền ATM… đặc biệt, cần có các cửa hàng tiện ích bán thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu với giá bán tương tương ở các khu nhà trọ, chợ dân sinh, các quán cơm bình dân. Có cách quản lý chuyên nghiệp, thủ tục đơn giản, thuận tiện đối với người thuê nhà, hỗ trợ xử lý kịp thời những vấn đề về điện, nước, phòng chống cháy nổ …

Chủ đầu tư có thể ký kết các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp sử dụng lao động để các doanh nghiệp này có thể thuê toàn bộ hoặc một phần dự án để cho người lao động của mình thuê lại với chính sách ưu đãi riêng, tạo điều kiện và thu hút người lao động chuyển từ các khu nhà trọ đến sinh sống tại các dự án nhà ở xã hội.

Đối với công nhân ngành Xây dựng thi công trên các công trường, cần có quy định cụ thể về chi phí và trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu trong việc đảm bảo nơi ở cho công nhân; cần có quy định tiêu chuẩn tối thiểu, các trang thiết bị thiết yếu đối với nhà tập thể, nhà tạm cho công nhân trên công trường.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng): đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu.

Sau khi nghe hết tham luận của các diễn giả, tôi mong muốn, trong thời gian tới, tất cả các cấp chính quyền cũng như doanh nghiệp cần nghiên cứu giải pháp cụ thể nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở của công nhân một cách thực chất nhất.

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng).

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường rất đồng tình với quan điểm: cần phải đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu bởi công nhân là lực lượng sản xuất chính, nòng cốt đối với nền kinh tế. Vì vậy, công tác chăm lo cho đời sống công nhân, cũng như xây dựng nhà ở an sinh xã hội là cực kỳ quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp mà còn đối với cả xã hội.

Thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng các tỉnh cần thể hiện rõ trong các chương trình hành động. Trên thế giới, các nước công nghiệp phát triển đã có những chính sách phát triển theo từng giai đoạn với từng hình thức khác nhau phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước. Trong đó, thành công nhất là giai đoạn Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc chăm lo cho đời sống công nhân lao động. Chỉ có như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước mới có thể an tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tôi ủng hộ mô hình Nhà nước, các doanh nghiệp công ích, phi lợi nhuận đứng ra đầu tư, xây dựng và quản lý nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Xin nhấn mạnh, vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Chỉ khi Nhà nước và doanh nghiệp nhất quán mới có thể giải quyết được những điểm nghẽn, khó khăn trong phát triển nhà ở công nhân hiện nay. Quan trọng không kém là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như đất đai, nhà ở, lao động, quy hoạch… để đảm bảo người lao động được hưởng thành quả. Chúng ta không nên đề cao lợi nhuận, cần phải ưu tiên những giá trị cốt lõi phục vụ cho xã hội, chính là xây dựng nhà ở để công nhân lao động an tâm sản xuất.

Bà Phạm Vũ Thương Nhung – Giám đốc Công ty Kiến trúc Tona: dân số là câu chuyện quan trọng nhất của quy hoạch

Dân số là câu chuyện quan trọng nhất của quy hoạch, mà dân số lại là dự báo. Trong quy hoạch định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã có quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển công nghiệp, họ đã quy định khu nào là khu công nghiệp, nên tính chất đô thị của từng đô thị lớn đã được xác định. Và khi quy hoạch vùng, tỉnh thì vùng, tỉnh có được xác định có mang tính chất công nghiệp hay không?

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
Bà Phạm Vũ Thương Nhung – Giám đốc Công ty Kiến trúc Tona.

Ngoài ra, 20% quỹ đất đó được phân bổ trong tất cả các dự án lớn nhỏ, dự án phát triển đô thị, đôi khi vì yếu tố pháp luật cứng đó gây khó khăn cho những người làm nghề, chủ đầu tư xây dựng dự án. Ví dụ, dự án chỉ có 20ha thì việc bố trí 20% quỹ đất không đủ để làm gì cả. Với đối tượng trộn lẫn như vậy, thì chỉ tiêu về đất ở, đất cây xanh, đất công cộng… sẽ khác nhau, gây bất cập trong bài tính, khó khăn cho chủ đầu tư.

Với cách nhìn nhận đó, ta có dự báo được dân số của khu công nghiệp, dân số công nhân của vùng, tỉnh đó, bao nhiêu dân số tại chỗ, bao nhiêu dân số từ vùng khác đến và có sự chuẩn bị cho việc đó. Quy hoạch vùng chuẩn thì bài toán 20% quỹ đất nhà ở xã hội còn đúng không với từng tỉnh, địa phương? Vì mỗi địa phương có một tính chất đô thị khác nhau, có những địa phương không được quy định là có tính chất công nghiệp thì 20% quỹ đất đó sẽ được dành cho đối tượng nào?

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: tính đến cuối tháng 9/2021 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị

Tính đến cuối tháng 9/2021 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 142.000 căn, với tổng diện tích khoảng 7.100.000 m2.

Nhằm đẩy mạnh việc xây nhà ở cho công nhân, người lao động lưu trú hoặc thuê, thuê mua, mua nhà ở tại các khu công nghiệp, cần sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công để thu hút và huy động được các nguồn lực trong xã hội cho việc xây nhà ở cho công nhân. Cụ thể, tách riêng nội dung nhà ở cho người lao động làm việc trong và ngoài khu công nghiệp với tư cách là một đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội thành một chương quy định về nhà ở cho công nhân.

Chủ thể tham gia đầu tư nhà ở công nhân, Tổng Liên đoàn được giao là chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn tài chính công đoàn; Bổ sung Tổng Liên đoàn là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở công nhân đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn tài chính công đoàn; bổ sung Tổng Liên đoàn là đối tượng được giao đất xây dựng nhà ở công nhân.

toa dam phat trien nha o cho cong nhan thuc trang va giai phap
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bà Tống Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng): công nhân, người lao động cần ổn định trong thời gian làm việc tại khu công nghiệpTrong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung, Tổng Liên đoàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5 – 10 khu nhà ở công nhân thuê tạo ra 500.000 – 1.000.000 m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 50.000 – 100.000 công nhân được thuê nhà ở tại các địa phương đã được bố trí đất.

Đánh giá cao buổi tọa đàm ngày hôm nay, bà Tống Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) chia sẻ: buổi Tọa đàm đã giúp cơ quan tham mưu như chúng tôi được lắng nghe khó khăn từ cộng đồng doanh nghiệp và địa phương. Từ đó, tham mưu chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Tọa đàm hôm nay như Hội nghị chuyên đề tổng hợp bước đầu về những khó khăn, vướng mắc khi xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội tại Việt Nam.

 Bà Tống Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng)
 Bà Tống Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng).

Cũng xin nói thêm, có rất nhiều khó khăn xuất phát từ cơ chế chính sách, do vậy địa phương không thể tự tháo gỡ, mà cần phải có cơ quan Trung ương vào cuộc, chung tay thực hiện. Vì vậy, khi bắt tay vào xây dựng, sửa đổi Nghị định, Thông tư, cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương cần quan tâm đặc biệt đến những vướng mắc này.

Mô hình chúng ta hướng đến trong tương lai được đánh giá cao là mô hình khu công nghiệp đô thị và dịch vụ. Đây là mô hình rất hay và đảm bảo cả hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, cần chú ý, không nên hướng đến mục tiêu khuyến khích công nhân mua, sở hữu nhà lâu dài vì sẽ kéo theo nhiều hệ quả khó lường. Thay vào đó, chú trọng phát triển theo hướng: công nhân, người lao động chỉ cần ổn định trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp.

Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung và thay đổi văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhà ở công nhân thông qua cải cách thủ tục hành chính, mở rộng triển khai các thủ tục bằng dịch vụ công quốc gia, bộ phận một cửa.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: ngoài các đại biểu tham gia trực tiếp, Ban tổ chức đã nhận được hơn 10 tham luận từ các tỉnh, thành gửi về, cũng tại buổi tọa đàm các đại biểu đã tập trung vào các ý kiến, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ cơ chế chính sách đến trình tự thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Những kiến nghị của các Sở ngành, các doanh nghiệp, các chuyên gia… sẽ được Báo Xây dựng tổng hợp để báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích