Thủ tướng Chính phủ: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Chiều 5/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, các chính sách an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước rất quan tâm thực hiện, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. “Song, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, chi phí cho giáo dục, y tế, nhà ở là một gánh nặng với người nghèo và nhất là công nhân tại các khu công nghiệp. Xin đề nghị Thủ tướng cho biết các giải pháp để giải quyết các vấn đề trên?”, đại biểu chất vấn.
Cùng quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) cho biết, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cử tri cả nước hết sức quan tâm, rất nhiều người có nhu cầu nhưng nguồn cung thì thiếu và các quy định hiện hành thì có nhiều điều kiện, người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng các điều kiện này.
“Xin Thủ tướng cho biết thời gian tới Chính phủ có chính sách gì để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân không”, đại biểu hỏi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời chất vấn. (ảnh: Quốc hội) |
Trả lời các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Từ hôm qua đến giờ chúng ta bàn rất nhiều về chính sách nhà ở xã hội. Tôi không nói lại những gì mà Bộ trưởng đã nói. Quan trọng bây giờ là nguồn lực, phải tháo gỡ cơ chế nguồn lực làm sao có hợp tác công tư. Ví dụ, như việc một doanh nghiệp họ muốn mua nhà cho công nhân thuê lại, mình cũng đang vướng chỗ này về luật, phải rà soát lại luật pháp để sửa việc này.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, có một việc mà ông thấy các nước họ làm nhưng ta chưa làm nhiều là nhà ở xã hội có 3 nội dung gồm mua, thuê và thuê mua.
“Đấy cũng là chính sách. Thuê mua hiện nay chúng ta chưa có. Tôi nghĩ cũng phải nghiên cứu thêm về việc này để chúng ta vừa phải mua, vừa thuê mua, ai có tiền thì mua ngay, ai không có tiền thì thuê mua. Quá trình thuê 10 năm, 20 năm người ta trả xong, đó gọi là thuê mua. Tôi nghĩ phương thức mình cũng phải tính toán lại thêm”, Thủ tướng trả lời.
Nói về quy hoạch, Thủ tướng cho rằng, phải cải tiến như thế nào cho phù hợp, và sát với thực tế, có tính khả thi hơn.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, chúng ta làm rất nhiều biện pháp về liên quan đến an sinh xã hội, một là công ăn việc làm; thứ hai là đảm bảo cho người có công; thứ ba là xóa đói giảm nghèo; thứ tư là đảm bảo bảo hiểm xã hội cho các đối tượng khác nhau.
“Phải nói là vừa qua chưa bao giờ chúng ta làm về an sinh xã hội lớn như thế, cho đến giờ này chúng ta chi ra là 87.000 tỷ cho gần 56 triệu người và hơn 800 người sử dụng lao động. Đây là một việc làm rất lớn của cả hệ thống chính trị chúng ta, trong đó có sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội”, Thủ tướng nói.
Toàn cảnh phiên chất vấn. (ảnh: Quốc hội) |
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Sắp tới có mấy việc mà hôm qua các đồng chí Bộ trưởng cũng đã giải thích rồi, chúng ta tiếp tục xem những gì, ví dụ như vấn đề nhà ở, đưa ra một chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ cho người có thu nhập thấp.
Sắp tới đây chúng ta sẽ tăng lương, phụ cấp cho đối tượng về hưu, nhất là người về hưu trước năm 1995. Lúc bấy giờ điều kiện khó khăn nên hệ số còn thấp, nay mai, với người có công thì chúng ta lấy lương cơ bản nhân với hệ số, cộng với các chính sách được hưởng để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người có công, người nghèo.
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một trong các mục tiêu Chính phủ hướng tới là kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người yếu thế với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động cũng là vấn đề làm nóng nghị trường trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đến nay mới chỉ đạt được 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội so với yêu cầu 12,5 triệu m2, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội chỉ đáp ứng được 36,31%.
Đặc biệt, việc bố trí nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn; nguồn vốn bố trí thực hiện nhà ở xã hội cho công nhân mới được khoảng 35% nhu cầu; nhiều địa phương chưa chú trọng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chưa đưa vào kế hoạch kinh tế xã hội hàng năm để đầu tư…
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan như sửa Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị…
Nguồn: Báo lao động thủ đô