Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024

Diễn đàn năm nay có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, lãnh đạo các ban bộ, ngành trung ương và địa phương trong nước, quốc tế, đại diện các chuyên gia trong nước và quốc tế, các tổ chức tài chính.

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TP.HCM xác định chuyển đổi xanh là trọng tâm, chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá, hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự diễn đàn.

Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM, thành phố trước mắt cần vượt qua 3 thử thách lớn là nhanh chóng cải thiện hệ thống kết nối hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là giao thông, công nghệ, môi trường…; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách thể chế thủ tục hành chính và có những cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư, hoạt động và phát triển.

TP.HCM kỳ vọng đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ trở thành thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, vươn tầm châu lục.

Trong đó, xác định các vùng sản xuất công nghiệp tập trung gắn với mạng lưới các khu, cụm công nghiệp, khu vực sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Sắp xếp và tổ chức không gian phát triển công nghiệp gắn với liên kết vùng. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp của TP.HCM đang có dấu hiệu chậm lại, năng lực cạnh tranh giảm, đối mặt nhiều thách thức lớn làm suy yếu vai trò trung tâm công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc phiên toàn thể.

Diễn đàn Kinh tế năm 2024 với chủ đề: “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM” là cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, diễn đàn năm nay có phiên đối thoại chính sách trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ, các tư lệnh ngành để làm cụ thể hơn các chính sách hỗ trợ chuyển đổi; đáng chú ý là việc thành lập và ra mắt Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR), được kỳ vọng đóng vai trò đầu mối thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong thời gian tới.

Diễn đàn Kinh tế chính là cầu nối tuyệt vời giữa doanh nghiệp và chính quyền các cấp với các chuyên gia, là cơ hội để doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác, hỗ trợ nhau trong chuyển đổi công nghiệp vì sự phát triển nền công nghiệp hiện đại của Thành phố nói riêng, cả nước nói chung trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Với truyền thống năng động, sáng tạo, tiên phong trong đổi mới, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe, chia sẻ cùng đối tác ở mức cao nhất để giữ chân quý vị theo phương châm “Thành phố hội tụ, hợp tác và phát triển” – Bí thư Thành uỷ TP.HCM nhấn mạnh.

Tại diễn đàn này, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, thành phố sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, kinh nghiệm, hiến kế hay của đại biểu trong nước và quốc tế; đồng thời cam kết hành động của chính quyền thành phố cho từng lĩnh vực cụ thể, từng giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.

“Chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu và thực hiện hiệu quả chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tại các hoạt động tại diễn đàn này” – Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên nói.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM sáng 25/9.

Trong sáng nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ dự Lễ Khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại Khu Công nghệ cao và tiếp các doanh nghiệp sáng lập diễn đàn.

Chiều nay, Diễn đàn sẽ diễn ra phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ ngành Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Lãnh đạo tỉnh thành của Việt Nam và khách mời, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Phiên đối thoại sẽ tập trung vào định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng công nghiệp 4.0, công nghệ cao và sinh thái; chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, bền vững; các chính sách, đặc thù và tiềm năng bứt phá của TP.HCM; chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư trong những lĩnh vực trên.

Kim Thoa

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích