Thủ tướng Chính phủ: Tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, những tháng vừa qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; với tinh thần vừa có kế thừa và vừa có đổi mới vì chưa có tiền lệ nên phải bám sát yêu cầu thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn theo phương châm: “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của nhân dân”.

Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, chúng ta đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ: Tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (Ảnh: VPQH)

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an, các lực lượng cơ sở và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.

Sau khi nâng cấp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và kịp thời điều động một lực lượng lớn chưa từng có các cán bộ, chiến sĩ các lực lượng y tế, quân đội, công an từ Trung ương và các địa phương khác hỗ trợ cho các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19, tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay với tinh thần “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch. Duy trì phù hợp hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh; hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, hầu hết các vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vắc xin trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu…

“Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương”, Thủ tướng cho biết.

Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ

Theo Thủ tướng, điều nổi bật là, trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người. Hàng chục nghìn y, bác sĩ, nhân viên y tế, những “chiến sĩ áo trắng”, phải xa gia đình trong thời gian dài, chấp nhận hy sinh, kiên cường bám trụ, bất chấp hiểm nguy, “chiến đấu” quên mình vì sức khỏe, tính mạng của người dân. Hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, Tổ Covid cộng đồng bám sát địa bàn, tận tâm, tận lực, không ngại gian khổ, khó khăn ngày đêm, hỗ trợ các địa phương và người dân…

Hệ thống chính trị các cấp, nhất là lực lượng chức năng tại cơ sở đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” phục vụ phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho người dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Dân vận các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, phóng viên, người dân, doanh nghiệp… trong và ngoài nước đã có nhiều sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực tham gia phòng, chống dịch.

“Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, hỗ trợ, đóng góp hiệu quả, những nghĩa cử cao đẹp, tận tâm, tận lực hết mình của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ quý báu của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống dịch; đồng thời chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những tổn thất, mất mát về người, vật chất và tinh thần mà nhân dân ta phải gánh chịu do đại dịch Covid-19 gây ra”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra rằng, công tác phòng, chống dịch do không dự báo được sự nguy hiểm của biến chủng Delta, tấn công vào khu đô thị lớn và các khu công nghiệp nên đã bị bất ngờ, rơi vào thế bị động, lúng túng, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Đồng thời, vẫn còn thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở; việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ: Tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Kỳ họp thứ 2 được tổ chức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung (Ảnh: VPQH)

Tiếp cận vắc xin của Việt Nam chậm hơn một số nước trên thế giới; việc mua vắc xin chịu nhiều rủi ro do phải chấp nhận các điều kiện của nhà cung cấp. Năng lực y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở còn nhiều hạn chế; nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống nhiều người nhiễm Covid-19, nên xảy ra quá tải cục bộ dẫn đến số tử vong tăng trong giai đoạn ngắn. Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ là rất lớn…

Tiếp tục thực hiện linh hoạt “mục tiêu kép” trong bối cảnh mới

Về tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên Quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%. Ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi dự toán. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt khoảng 35%GDP; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục được củng cố…

Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đặt ra là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế…

“Quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư; sự quan tâm, ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân và đồng bào, cử tri cả nước để cùng hệ thống hành chính Nhà nước quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích