Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2021 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch 05 năm 2021-2025; cũng là năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động hết sức tiêu cực và kéo dài.
Trong bối cảnh chung của đất nước, với truyền thống đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, đam mê cống hiến và tinh thần vượt khó, Bộ, ngành Tư pháp đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. |
Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu những vấn đề vĩ mô kịp thời thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp.
Đồng thời, nhận diện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật để đề xuất giải pháp, xử lý những phát sinh trước tác động của đại dịch Covid-19 đến trực tiếp quản lý, tổ chức thi hành những phần việc vi mô cụ thể như công chứng, đăng ký giao dịch, hộ tịch, trợ giúp pháp lý…
Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho rằng, công tác tư pháp thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế với những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, thực hiện phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” của Chính phủ, toàn ngành Tư pháp đã nỗ lực, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức công việc, bám sát tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của từng địa phương, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”.
Các cơ quan tư pháp, pháp chế đã kịp thời ban hành, điều chỉnh hợp lý các chương trình, kế hoạch công tác; tăng cường phối hợp; khắc phục các vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc, kịp thời giải quyết các phản ánh, đề xuất, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành được ngành Tư pháp đặc biệt chú trọng; nhiều hoạt động chuyển sang thực hiện trực tuyến. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục thuộc nhóm 3 cơ quan dẫn đầu.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. |
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, ngành Tư pháp đã tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia tích cực, hiệu quả trong việc chuẩn bị Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Các cơ quan tư pháp, pháp chế đã có nhiều đóng góp với hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các cấp. Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tham mưu xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ công tác phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất kinh doanh.
Các bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 7 luật, nghị quyết. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật để trình Quốc hội xem xét. Các Bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản; ở cấp tỉnh, cấp huyện có 5510 văn bản đã được ban hành…
Nguồn: Báo lao động thủ đô