Thu hồi hơn 20.000 tỷ đồng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng
Thông tin tại buổi họp báo, tiếp nối những kết quả đạt được của những năm đầu nhiệm kỳ, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.
Năm 2023, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt, đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 05 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành gần 3.800 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.600 VBQPPL cấp huyện và hơn 1.700VBQPPL cấp xã.
Bên cạnh đó, tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực tham mưu, tổ chức thành công nhiều sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, việc tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV đã thu hút sự tham gia của 63 đội thi đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhận được sự đánh giá cao của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý đều tăng, nhưng kết quả THADS năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, quản lý xử lý vi phạm hành chính; công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật; công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học pháp lý; báo chí, xuất bản; tài chính, thống kê; thanh tra, kiểm tra; thi đua, khen thưởng và công tác Đảng – Đoàn thể… có nhiều chuyển biến tích cực.
Phát biểu tại họp báo, thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh trân trọng gửi lời cảm ơn tới các phóng viên, nhà báo, các cơ quan thông tấn, báo chí đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc thông tin các hoạt động của Bộ, ngành; phối hợp tích cực với các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, Tư pháp trong việc truyền thông về các chính sách pháp luật, trọng tâm là Đề án 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 – 2027”. Những nỗ lực đó của các cơ quan báo chí đã góp phần thúc đẩy công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của nước ta.
Trong năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có giải pháp truyền thông chính sách, trong đó có trách nhiệm của Bộ Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Qua đó, Thứ trưởng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong năm qua, có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong truyền thông chính sách để tạo chiều sâu, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng VBQPPL, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã hội. Bộ Tư pháp sẽ kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu những dự án, dự thảo do Bộ Tư pháp chủ trì, được người dân và xã hội quan tâm; cung cấp thông tin về quá trình soạn thảo, thẩm định các dự án, dự thảo luật để báo chí nắm được đầy đủ và đưa tin kịp thời.
Theo Báo Chính phủ
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu