Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi số

Đây là thông tin đáng chú ý trong báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM về thực hiện chủ đề công tác năm 2024: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98 của Quốc hội” trong 9 tháng đầu năm 2024.

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi số
Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM chính thức ra mắt vào tháng 1/2024.

Theo đó, Thành phố đã miễn phí một số thủ tục dịch vụ công trực tuyến đối với 98 thủ tục hành chính (TTHC) khi người dân làm trực tuyến từ nay đến hết năm 2025; cho phép 7 phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp và 10 văn phòng công chứng được kết nối cơ sở dữ liệu địa chính trong quý II và quý III/2024. Thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM; tổ chức diễn đàn và triển lãm quốc tế Smart City Asia 2024 lần thứ 3.

Về triển khai chính quyền số, Thành phố đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước như: Hệ thống thư điện tử công vụ, tài liệu điện tử, họp và xử lý công việc, hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống tổng hợp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành… Thành phố đã triển khai thí điểm trợ lý ảo nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống giải quyết TTHC TP.HCM và đang triển khai thử nghiệm ứng dụng AI, trợ lý ảo phục vụ Hội đồng nhân dân Thành phố.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Thành phố thực hiện hoàn thành 20/34 chỉ tiêu, còn 14/34 chỉ tiêu đang triển khai, chưa đạt kế hoạch. Đơn cử, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 59,13%; tỷ lệ hồ sơ TTHC số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 49,81%; tỷ lệ người dân có danh tính số điện tử đạt 100%; tỷ lệ người dân trưởng thành có chữ ký số cá nhân đạt 27%.

Tỷ lệ máy chủ, máy trạm trong cơ quan nhà nước cài đặt phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đạt 100%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 92%; tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền Internet cáp quang băng rộng đạt 100%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 87%. Tỷ lệ người dân độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt 85,5%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 71,18%.

Đến nay, Thành phố có 1894 TTHC đang áp dụng, trong đó 1.504 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, 255 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, 135 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố đã xử lý khoảng 10.000 hồ sơ/ngày, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đủ điện kiện), 354 cơ quan, đơn vị tham gia với 10.000 tài khoản cán bộ, công chức, 244.011 tài khoản công dân.

Thành phố triển khai Bản đồ thực thi thể chế Thành phố nhằm theo dõi đánh giá chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến. Về kinh tế số, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 16,7%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 82%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 71,18%.

Về xã hội số, tỷ lệ người dân có danh tính số, tài khoản định danh điện tử đạt 100% (hơn 9 triệu tài khoản định); vận hành với hơn 1.173 máy chủ trên nền tảng điện toán đám mây dùng chung, kết nối 807 điểm các cơ quan nhà nước qua đường truyền mạng chuyên dùng. Thành phố hiện có 10.000 camera giao thông, 100% phường, xã, thị trấn có internet băng rộng. Về phát triển dữ liệu, Thành phố ban hành danh mục 45 cơ sở dữ liệu dùng chung, trong đó có 25 cơ sở dữ liệu vận hành chính thức, 20 cơ sở dữ liệu đang tổ chức triển khai, số hóa hoàn thiện.

Đối với nền tảng số, Thành phố cũng đã vận hành chính thức nhiều nền tảng số như hệ thống lắng nghe thông tin trên mạng xã hội, hệ thống quản lý khiếu nại tố cáo, bản đồ thực thi thể chế TP.HCM, thử nghiệm nền tảng hỗ trợ hoạt động Hội đồng nhân dân Thành phố ứng dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai hệ thống vận hành chính quyền số.

Xuân Tình

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích