Thành phố Hồ Chí Minh: Đa số người dân đã thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới
Theo ông Phạm Đức Hải, sau 11 ngày áp dụng Chỉ thị 18 trên địa bàn thành phố, đa số người dân đã thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chợ truyền thống hoạt động trở lại, phục hồi sản xuất.
Đáng chú ý, tính đến ngày 11/10, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch Covid – 19 theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 7/10, có 19 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch. Ngày 8/10 có thêm huyện Bình Chánh công bố kiểm soát dịch và hôm nay (11/10), thêm quận Bình Tân đề nghị công bố kiểm soát dịch.
Hiện trên địa bàn lượng F0 trong cộng đồng vẫn còn nhiều, ngày 10/10, trên địa bàn vẫn có tới 1.067 ca bệnh. Do đó, ông Phạm Đức Hải cho rằng người dân cần tuân thủ nghiêm những quy định về an toàn phòng dịch, vẫn cần điều chỉnh thói quen sống để thích ứng an toàn, tránh tình trạng chủ quan, lơ là.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến công tác tiêm chủng mở rộng quốc gia đối với một số bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, trong thời gian vừa qua, hoạt động này có phần nào gián đoạn, trừ một số mũi tiêm chủng như mũi lao và viêm gan B, sau khi sinh khoảng 1, 2 ngày thì trẻ vẫn được tiêm 2 mũi này. Theo ông Tâm, việc tiêm chủng chậm trễ vài tháng không ảnh hưởng lớn đến khả năng miễn dịch của trẻ. Trước đó, đầu tháng 10, HCDC đã có văn bản nhắc nhở các cơ sở y tế địa phương triển khai lại sớm hoạt động tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Hiện tình hình dịch Covd – 19 đã cơ bản ổn định, phụ huynh có thể đưa trẻ đi tiêm chủng trở lại.
Về chiến lược xét nghiệm, ông Tâm cho rằng thành phố đang áp dụng theo từng đối tượng, cụ thể là tập trung những người nguy cơ cao, trong đó, quy định với lực lượng shipper có phần nghiêm ngặt hơn.
Theo nguyên tắc y khoa, việc tiêm chủng đủ chỉ giúp người tiêm giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong khi mắc bệnh chứ không bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh.
Trả lời về việc làm thế nào để giảm tải chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp, ông Tâm cho biết theo quy định, sẽ có trường hợp cho phép làm mẫu gộp và có trường hợp làm test nhanh kháng nguyên. Các đơn vị có thể căn cứ theo quy định để làm xét nghiệm dạng gộp hay test nhanh để tiết kiệm chi phí.
Hơn 3,7 triệu người đã nhận tiền hỗ trợ đợt 3
Liên quan đến công tác chi trả tiền hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, toàn thành phố đã có 3.763.719 người được nhận tiền hỗ trợ đợt 3.
Thành phố vẫn đang đẩy nhanh công tác hỗ trợ, số người dân được nhận hỗ trợ đang tăng lên hằng giờ ở 312 phường, xã trên địa bàn.
Do tình trạng nghẽn mạng khi có tới hàng triệu người truy cập cùng thời điểm nên việc hỗ trợ có thể chậm trễ. Tuy nhiên, hiện đã có 6 quận, huyện chi trả trên 90%. Theo tiến độ, đến ngày 15/10 tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Lâm cũng cho hay, thành phố sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra do các Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn đi kiểm tra công tác chi trả hỗ trợ đợt này.
Thông tin tại buổi họp báo về nhu cầu lao động của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, nhu cầu lao động của thành phố lớn, nhưng hiện người lao động quay trở lại chưa cao. Hiện lao động quay trở lại làm việc chủ yếu là công nhân đang ở trên địa bàn. Dự kiến từ ngày 13/10, khi triển khai thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh, người lao động sẽ thuận lợi để trở lại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đường dây nóng của Bộ Tư lệnh đã tiếp nhận 516 cuộc gọi với 843 người đăng ký về quê trên 50 tỉnh. Bộ Tư lệnh Thành phố sẽ phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc, Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải tổ chức đưa bà con về quê; dự kiến, từ ngày 15/10 sẽ bắt đầu.
Xem link!
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu