Thành phố Bảo Lộc – Tôn vinh giá trị nghề truyền thống

(Xây dựng) – Là 1 trong 3 chương trình nhằm hưởng ứng sự kiện Festival Hoa Đà Lạt 2022, gồm: Chương trình nghệ thuật Bảo Lộc – Hương trà, sắc tơ; Hội chợ thương mại và triển lãm trưng bày sản phẩm trà tơ lụa, các sản phẩm đặc trưng của địa phương và Chương trình Countdown 2023. Chương trình “Bảo Lộc – Hương trà, sắc tơ” đã thành công rực rỡ và mang đến một sắc khí mùa xuân rộn ràng trên đất trời Bảo Lộc.

Thành phố Bảo Lộc - Tôn vinh giá trị nghề truyền thống
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc phát biểu tại chương trình.

Thành phố Bảo Lộc được biết đến là xứ sở của trà và tơ lụa, được người dân trong cả nước đặt cho tên “Bảo Lộc – Thủ phủ trà và tơ lụa của Việt Nam”. Hiện mỗi năm Bảo Lộc sản xuất hơn 1.100 tấn tơ, khoảng 5 triệu mét lụa, sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn vươn tầm thế giới. Trà và tơ lụa không chỉ mang đến giá trị kinh tế cho người dân mà còn là niềm tự hào của người dân thành phố Bảo Lộc.

Chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc – Hương trà, sắc tơ” diễn ra để tôn vinh những giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội đặc sắc của địa phương, đặc biệt là những giá trị, tiềm năng về con người và vùng đất Bảo Lộc, những giá trị mang tính đặc trưng của địa phương về trà, dâu tằm, tơ lụa, ngành nghề đặc trưng của thành phố Bảo Lộc. Đây là dịp để cho người dân và doanh nghiệp có cơ hội quý giá nhằm giao lưu, kết nối, quảng bá thương hiệu, hợp tác đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Linh là một người dân trồng dâu tằm tham gia sự lễ hội chia sẻ: Nghề nuôi tằm bây giờ đã phát triển hơn rất nhiều so với trước và cho gia đình chị có thu nhập cao, nên ngoài 4 sào gia đình chị có sẵn thì chị thuê thêm 3 sào đất để trồng dâu và nuôi tằm. Nuôi tằm thì cứ 15 ngày kết thúc 1 lứa, cứ lứa này nối lứa kia, mỗi tháng trừ chi phí, gia đình chị cũng thu được hơn 30 triệu đồng với chủ yếu 1 công lao động chính, giờ đã có tiền để xây dựng nhà cửa khang trang và mở rộng diện tích canh tác dâu tằm và đầu tư cho con cái học hành, chị đang hướng các con chị tiếp nối nghề nuôi tằm như chị.

Nhờ cuộc cách mạng công nghệ, thay đổi thiết bị sản xuất, cùng với thị trường thế giới khởi sắc, nghề dâu tằm tơ của Lâm Đồng hiện đã từng bước được mở rộng và phát triển, đưa thành phố Bảo Lộc trở lại vị trí thủ phủ của nghề truyền thống từ hàng trăm năm này.

Thành phố Bảo Lộc - Tôn vinh giá trị nghề truyền thống
Các người mẫu trình diễn bộ sưu tập áo dài làm từ chất liệu tơ lụa Bảo Lộc – một mũi nhọn kinh tế không kém phần quan trọng của thành phố Bảo Lộc trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc khẳng định, chương trình nghệ thuật nhằm tái hiện về mảnh đất, con người ở thủ phủ trà – tơ lụa Bảo Lộc trong suốt chặng đường hình thành và phát triển. Qua đó nhằm xây dựng thương hiệu trà B’Lao và tơ lụa Bảo Lộc tiếp tục được người dân, du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn nữa, khẳng định Bảo Lộc xứng đáng với tên gọi là “Bảo Lộc – Thủ phủ trà và tơ lụa của Việt Nam”.

Thành phố Bảo Lộc - Tôn vinh giá trị nghề truyền thống
Tiết mục tôn vinh tơ lụa Bảo Lộc.

Chương trình được xây dựng theo dạng sử thi, sử dụng những tác phẩm, những ca khúc…; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước thông qua nghệ thuật hát múa, đồng thời dùng lời dẫn và video-clip đan xen, làm cầu nối xâu chuỗi các tiết mục dựa trên nội dung xuyên suốt của chương trình.

Với sự kết hợp từ lịch sử hình thành vùng đất Bảo Lộc với chủ đề “Hương đất, tình người”; đến hiện tại những sản phẩm từ lá trà, cây dâu, con tằm qua bàn tay khéo léo của người dân Bảo Lộc đã giúp nơi đây trở thành thủ phủ của trà – tơ lụa.

Ngoài ra, người dân và du khách còn được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc chia thành 3 chương chính như một cuốn sử thi tái hiện sự hình thành và phát triển của mảnh đất B’Lao (tên gọi trước đây của thành phố Bảo Lộc).

Thành phố Bảo Lộc - Tôn vinh giá trị nghề truyền thống
Thành phố Bảo Lộc chú trọng đến công tác chỉnh trang đô thị.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Bảo Lộc cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn tập trung cho công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, quản lý trật tự đô thị, đảm bảo an ninh trật tự… đảm bảo cho các hoạt động hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt 2022 diễn ra theo đúng kế hoạch chung của UBND tỉnh, qua đó tăng cường các hoạt động quảng bá du lịch, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về các hoạt động ngành nghề của địa phương Bảo Lộc, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về đất và con người vùng Trà B’Lao và Tơ lụa Bảo Lộc.

Những ngày này, thành phố Bảo Lộc sạch đẹp như một mùa xuân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích