Thái Lan triển khai 30 máy bay tạo mưa để chống hạn hán và bụi mịn

Thái Lan triển khai 30 máy bay tạo mưa để chống hạn hán và bụi mịn

Thái Lan triển khai trên toàn quốc 30 máy bay tạo mưa trong nỗ lực đối phó với tình trạng hạn hán và ô nhiễm.

Thái Lan công bố kế hoạch triển khai 30 máy bay trên toàn quốc cho các hoạt động tạo mây nhằm gây mưa nhân tạo để chống ô nhiễm không khí và đối phó khô hạn ở các khu vực trồng trọt chính của đất nước.

Chính phủ Thái Lan cho biết chương trình tạo mưa hằng năm bắt đầu vào ngày 29/2, với 7 trung tâm được thành lập trên khắp đất nước để tăng cường sự phối hợp giữa các tỉnh.

Theo kế hoạch, 24 máy bay của Cục Hàng không nông nghiệp và tạo mưa, cùng 6 máy bay phản lực của Không quân Hoàng gia Thái Lan sẽ được huy động để tạo mây.

tm-img-alt
Một chiếc máy bay đang tạo mưa nhân tạo tại Thái Lan. (Ảnh: Bangkok Post)

Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Thamanat Prompow nhấn mạnh việc tạo mưa là cần thiết để giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp, cũng như ngăn ngừa mưa đá và cháy rừng ở một số khu vực.

Ông Thamanat cho hay, mưa nhân tạo cũng sẽ giảm bớt các vấn đề ô nhiễm dai dẳng như khói bụi và bụi mịn PM2.5. Bên cạnh đó, các hoạt động tạo mưa cũng sẽ bổ sung nguồn cung cấp nước cho các hồ chứa và đập để sử dụng cho nông nghiệp. 

Theo Cục Khí tượng Thái Lan, mùa Hè chính thức bắt đầu từ ngày 21/2 vừa qua và sẽ kéo dài đến giữa tháng 5. Các nhà dự báo thời tiết cho biết Thái Lan sẽ phải đối mặt với một mùa hè khắc nghiệt, dự báo nhiệt độ sẽ tăng cao tới 44,5 độ C ở một số khu vực.

Sự kết hợp giữa độ ẩm, gió cùng các yếu tố khác vào năm ngoái đã đẩy nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 50 độ C ở nhiều nơi trên cả nước khiến nhu cầu điện ở mức cao chưa từng thấy.

Trong khi đó, Bangkok, Chiang Mai và một số thành phố khác đã phải chật vật với chất lượng không khí kém trong những năm gần đây. Tình trạng ô nhiễm có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa khô bắt đầu vào tháng 12, phần lớn là do đốt rơm rạ, cháy rừng ở các nước láng giềng và khí thải từ phương tiện giao thông.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích