Tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp

Tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp

Chiều 30/1, Liên hiệp các Hội khoa và kỹ thuật Việt Nam, tổ chức Hội thảo phát thải khí nhà kính cho hơn 120 doanh nghiệp phía Bắc.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát thải, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia thực hiện giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo lộ trình. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan đến quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính; các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025. Từ đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát thải, chuyển đổi xanh, hướng đến sản xuất bền vững.

Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp sẽ hiểu thêm về tầm quan trọng của viêc thực hiện các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, hướng dẫn các doanh nghiệp về phương pháp, cách thức xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính, phương pháp kiểm kê nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đơn giản hoá cách thức thực hiện và rút ngắn thời gian tính toán lượng phát thải khí nhà kính tại cơ sở đảm bảo theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Việc giảm phát thải khí nhà kính là xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt nếu các doanh nghiệp của Việt Nam muốn tham gia cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Ngọc Kim Anh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học – Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp cho rằng, biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, là thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Nguyên nhân chính được ghi nhận là do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu tình trạng này còn gia tăng, nó sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với tự nhiên và con người.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam là một trong các quốc gia đã tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. So với báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định 2020 (NDC 2020), NDC cập nhật 2022 (NDC 2022) Việt Nam đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8% và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% (so với kịch bản phát triển thông thường BAU).

Cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, quyết định như Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu…

TS. Nguyễn Ngọc Kim Anh cho biết, để triển khai quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các mục tiêu hướng tới giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết, theo quy định, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính trước ngày 31/3/2023 và đến năm 2024, các đơn vị cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025.

“Hoạt động này nhằm thực hiện nhiệm vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho doanh nghiệp, bảo vệ môi trường được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Việc giảm phát thải khí nhà kính là xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt nếu các doanh nghiệp của Việt Nam muốn tham gia cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, TS. Nguyễn Ngọc Kim Anh chia sẻ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích