Tạo sức bật mới cho địa phương và cả vùng
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng, để phát triển kinh tế, tạo đột phá thì cần phải có cơ chế đặc thù, đủ mạnh và có thể vượt rào, nhưng đảm bảo an toàn và hiệu quả thì nên có thí điểm.
Theo đại biểu, các địa phương đều có lợi thế, có đặc điểm riêng và cần các cơ chế đặc thù để phát triển, nhưng chúng ta cũng cần phải có các chính sách ưu tiên, có sự ưu tiên lựa chọn đầu tư trước một số tỉnh có tiềm năng, thế mạnh hơn để làm đầu tàu dẫn dắt và hỗ trợ các địa phương khác tiếp tục phát triển và cũng là bài học thực tiễn cho việc khái quát hóa thành các chủ trương để hoàn thiện thể chế, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. “Tôi đồng tình với việc Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho 4 địa phương, đó là thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và tỉnh Thừa Thiên Huế”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội). |
Vì, cả 4 địa phương trên thì đều có Nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị cho chiến lược phát triển nhanh từng địa phương, gắn với vùng và toàn bộ đất nước. Trong đó, phần giải pháp có nói đến việc tháo gỡ cơ chế, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế địa kinh tế tự nhiên, văn hóa truyền thống, tạo ra động lực cho sự phát triển nhanh. Do vậy, Quốc hội ban hành việc thí điểm cơ chế đặc thù là cụ thể hóa những chủ trương trong Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Về những nội hàm quy định về cơ chế tài chính và phân cấp quản lý trong một số trường hợp, các lĩnh vực, trên thực tế quy định này không làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính quốc gia, không giảm thu ngân sách Trung ương, không làm tăng nợ công hay là các nguy cơ mất ổn định các cân đối vĩ mô. Về hành chính thì không làm giảm nguyên tắc quản lý thống nhất và tập trung từ Trung ương đến địa phương, mà chỉ là tạo điều kiện để các địa phương thực hiện nhanh nhất, có trách nhiệm cao nhất các quy trình luật pháp trên địa bàn, từ đó thúc đẩy công việc nhanh chóng, đúng theo mục tiêu cải cách hành chính, Chính phủ điện tử mà cả hệ thống của chúng ta đang triển khai.
Theo đại biểu, những cơ chế quy định đặc thù này chắc chắn sẽ khơi thông nguồn lực và tạo ra sự đột phá trong phát triển không chỉ với 4 địa phương mà còn lan tỏa ra cả vùng, góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển trên toàn quốc, do vậy thực ra đây là bước nuôi dưỡng nguồn thu và tạo ra một động lực mới.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ là tiếp tục rà soát thêm các địa phương để chia thành các nhóm. Ví dụ, đối với những tỉnh mà có điều kiện khai thác ngay tiềm năng, lợi thế trên cơ sở có cơ chế đặc thù như 4 tỉnh trên, để tạo điều kiện thúc đẩy nhanh, đồng bộ bức tranh phát triển 7 vùng kinh tế – xã hội. Những tỉnh đặc biệt khó khăn cần có cơ chế chính sách đặc thù nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các địa phương.
“Việc ban hành nghị quyết phải đi đôi với xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện, nhằm đảm bảo nghị quyết đã ban hành phải phát huy hiệu lực, hiệu quả cao nhất, không chỉ tạo ra động lực mới về vật chất mà còn phải tạo ra niềm tin cho cử tri và uy tín cho Quốc hội”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhìn nhận, chúng ta hiện nay có 63 tỉnh, thành phố hay nói cách khác là Tổ quốc chúng ta có 63 “người con”, nhưng năng lực khác nhau, khả năng khác nhau, tiềm năng lợi thế khác nhau, trừ luật Thủ đô ra thì 62 tỉnh, thành còn lại chung một nền tảng pháp lý. Nếu như chúng ta không tạo hành lang riêng cho mỗi địa phương có tiềm năng, lợi thế thì chúng ta khó có thể kích hoạt cho họ phát triển theo lợi thế, tiềm năng.
Theo đại biểu, nền tảng pháp lý chưa có thì chúng ta phải thí điểm, mà thí điểm là phải có mô hình để từ đó chúng ta phân loại địa phương và cá biệt hóa chính sách cho từng nhóm. Về cơ sở thí điểm, cả về chính trị, pháp lý và thực tiễn đều đảm bảo.
Về cơ sở chính trị, đã có một loạt Nghị quyết của Bộ Chính trị cho phép. Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp cho phép Quốc hội được đặt ra các quy tắc xử sự ở tầm các đạo luật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép Quốc hội ban hành các nghị quyết để thực thi các chính sách thí điểm khi hệ thống pháp luật chưa có quy định, nói cách khác là dưới Hiến pháp nhưng có thể khác với các đạo luật.
Về cơ sở thực tiễn, theo đại biểu “lấp ló ở nhiều địa phương vì chưa có tháo gỡ về mặt cơ chế hay nói cách khác là chưa “xé rào” thì chúng ta phải tạo cơ chế bằng cách thí điểm này”.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị và khai thác các thế mạnh và tiềm năng của các địa phương, tạo thêm nguồn lực cho các địa phương và phát triển kinh tế vùng. Việc thông qua nghị quyết này là đúng thẩm quyền.
“Có một số ý kiến cho rằng, hiện nay có nhiều chính sách áp dụng thí điểm tại một số địa phương cần tổng kết những mặt được, chưa được làm căn cứ ban hành các nghị quyết để áp dụng tại 4 địa phương và mở rộng áp dụng cho các địa phương khác, đảm bảo tính đại diện và liên kết vùng miền. Đồng thời có cơ chế để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở phía Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc. Đa số ý kiến đồng ý áp dụng 11 nhóm chính sách đặc thù như Chính phủ trình. Tuy nhiên, đối với từng chính sách đều có ý kiến đề nghị đánh giá thêm trên một số mặt”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết. /.
Nguồn: Báo lao động thủ đô