Tạo khung pháp lý chung để quản lý hoạt động của tàu bay không người lái

Làm rõ nội hàm phòng không nhân dân

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, chiều 30/10, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Tạo khung pháp lý chung cho việc quản lý hoạt động của tàu bay không người lái
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu nhấn mạnh, Luật Phòng không nhân dân được xem xét ban hành nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế đất nước, kiên quyết, kiên trì bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định, trong thời bình, thời hạn huy động để tham gia bồi dưỡng, tập huấn, diễn tập phòng không nhân dân hoặc diễn tập khu vực phòng thủ của địa phương không quá 7 ngày/năm. Theo đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn đại biểu tỉnh Sóc Trăng), như vậy sẽ thiếu tính đồng bộ, vì có thể đơn vị sẽ tổ chức từ 1 đến 7 ngày.

Tạo khung pháp lý chung cho việc quản lý hoạt động của tàu bay không người lái
Đại biểu Nguyễn Hải Anh phát biểu thảo luận.

Đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị sửa đổi để thống nhất chung thời gian 5-7 ngày để bảo đảm thời gian huy động tham gia bồi dưỡng, tập huấn phòng không nhân dân hoặc diễn tập khu vực phòng thủ của địa phương.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp) đề nghị, rà soát, làm rõ hơn nội hàm của Điều 5 về nhiệm vụ phòng không nhân dân, Điều 9 về hoạt động chỉ đạo phòng không nhân dân, Điều 17 về nội dung hoạt động phòng không nhân dân để bảo đảm không bị trùng lặp, chồng chéo, phân định rõ thẩm quyền trách nhiệm phù hợp với phương thức, cấu trúc và hệ thống tổ chức phòng không nhân dân trên phạm vi cả nước.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng đề nghị thể hiện rõ nội hàm phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân, do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và quân nhân dự bị làm nòng cốt cùng với phòng không quốc gia, phòng không lục quân và các lực lượng khác chuẩn bị, ngăn ngừa, phòng tránh, đánh địch, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không trong khu vực phòng thủ, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc; tuân thủ các nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân.

Cần có chiến lược đầu tư địa bàn được xác định là trọng điểm

Góp ý vào một số nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sau khi Luật có hiệu lực thi hành, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được xác định là trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh và tương tự cho cấp huyện.

Tạo khung pháp lý chung cho việc quản lý hoạt động của tàu bay không người lái
Đại biểu Nguyễn Tạo phát biểu thảo luận.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Tạo, trong tất cả các điều khoản còn lại của Luật về nguồn lực đầu tư, xây dựng lực lượng phòng không nhân dân, xây dựng thế trận phòng không nhân dân trong khu vực phòng thủ, huy động lực lượng phòng không nhân dân, diễn tập phòng không nhân dân… thì không có quy định nào riêng cho các địa phương đã được xác định là trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện. Do đó, cần có chiến lược đầu tư địa bàn được xác định là trọng điểm phòng không nhân dân.

Cũng tại phiên họp, cho ý kiến đối với dự thảo luật, các đại biểu đề nghị bổ sung, chuẩn hóa một số vấn đề từ ngữ, về lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, tổ chức lực lượng phòng không nhân dân, nhất là tổ chức lực lượng ở các doanh nghiệp phù hợp với phương án tác chiến phòng thủ, không làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến về vấn đề quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay khác; về thẩm quyền đình chỉ, miễn cấp phép bay, tầm nhìn trực quan; về đình chỉ, thu hồi giấy phép của phương tiện bay không người lái…

Tạo khung pháp lý chung cho việc quản lý hoạt động của tàu bay không người lái
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã bám sát kết luận, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội để tổ chức tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh dự thảo luật một cách công phu.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh tập trung chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên họp để hoàn chỉnh báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có Báo cáo tiếp thu giải trình theo đúng thời gian quy định.

Hoàng Phúc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích