Tại sao “bóng cười” vẫn tồn tại?

Liên tiếp phát hiện vi phạm

Phóng viên đã nhiều lần cùng cơ quan chức năng “đột kích” các cơ sở kinh doanh, quán bar có hành vi kinh doanh “bóng cười” trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Với đủ phương thức, thủ đoạn để qua mặt sự kiểm tra của cơ quan chức năng, song, những quán bar kinh doanh “bóng cười” đều nhanh chóng bị “chỉ mặt”.

Tại sao “bóng cười” vẫn tồn tại?
Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh, quán bar có hành vi kinh doanh “bóng cười”. (Ảnh minh họa)

Đơn cử như mới đây, ngày 18/2, Công an phường Tràng Tiền phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế và Cảnh sát 113 bất ngờ kiểm tra quán bar tại số 2C Lê Phụng Hiểu từ tin báo của quần chúng nhân dân, đã thu giữ 2 bình “khí cười” cùng nhiều vỏ bóng đã qua sử dụng. Đáng chú ý, khi phát hiện có đoàn kiểm tra, nhân viên quán đã ngụy trang, giấu các bình “bóng cười” trong các hộp gỗ trang trí, đồng thời dặn khách hàng không khai với lực lượng Công an.

Khi được hỏi vì sao lại chấp bất quy định kinh doanh “bóng cười”, đa số quản lý quán hoặc chủ cơ sở kinh doanh đều đưa ra lí do biện minh là để “chiều khách hàng”. Nhiều khách đến, việc đầu tiên họ hỏi là có “bóng” hay không, nếu chúng tôi từ chối thì họ cũng sẽ rời đi. Trong khi kinh tế khó khăn, cơ sở phải gánh rất nhiều chi phí từ mặt bằng, lương nhân viên, đồ uống… nên để duy trì, quán vẫn phải phục vụ nhưng hạn chế tối đa, vì mức xử phạt cũng rất cao nếu bị cơ quan chức năng kiểm tra…

Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã vào cuộc xử lý tình trạng các quán bar, karaoke, vũ trường, lounge… kinh doanh “bóng cười”. Kết quả, đã có nhiều quán bar bị xử lý. Có thể kể đến như, vào khoảng giữa năm 2023, Công an quận Đống Đa đã liên tiếp phát hiện các cơ sở kinh doanh “bóng cười” như Sành Lounge, The Lion Lounge, thu giữ các bình “khí cười”, đồng thời lập biên bản xử phạt, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Ngoài ra, thực hiện cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, khoảng 23h40 đêm 12/2, tổ công tác Y2/141 – Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Công an phường Kim Mã, quận Ba Đình, phát hiện xe ô tô Kia Morning do một nam thanh niên đang trên đường vận chuyển 25 bình kim loại chứa khí N2O đi tiêu thụ…

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người khi sử dụng, tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số đối tượng vẫn bất chấp để kinh doanh khí N2O trái phép. Trước đó, tháng 10/2023, Bộ Y tế đã có công văn số 6357/BYT-KCB gửi Cục Quân y (Bộ Quốc phòng); Cục Y tế (Bộ Công an) và Sở Y tế các địa phương, các đơn vị trực thuộc, y tế các bộ, ngành về việc không sử dụng khí N2O trên người bệnh.

Theo Bộ Y tế, khí N2O là hóa chất được sử dụng trong công nghiệp, đồng thời được sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm (có trong danh mục phụ gia thực phẩm của Ủy ban thực phẩm quốc tế – Codex) và đang được nghiên cứu sử dụng để an thần, giảm đau trong nha khoa. Báo cáo của Cục Quản lý dược và một số đơn vị liên quan khẳng định, khí N2O chưa đủ cơ sở pháp lý được công nhận là thuốc chữa bệnh tại Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không sử dụng khí N2O trên người bệnh khi chưa được Bộ Y tế phê duyệt. Bộ Y tế cảnh báo, việc lạm dụng, sử dụng N2O không đúng mục đích có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt trong giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười. Sử dụng lâu, khí này sẽ dẫn đến tự kỷ, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể; sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng lạm dụng khí N2O tại một số điểm vui chơi, giải trí gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân.

Trước tình trạng nhiều nhóm thanh, thiếu niên sử dụng “bóng cười” gây ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy hiểm đến tính mạng, Công an thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý với các hành vi sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Đơn cử như tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, Công an quận đã chỉ đạo Công an các phường chủ động phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế – Công an quận và Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường rà soát, nắm thông tin và tổ chức kiểm tra với các quán bar, karaoke, vũ trường có biểu hiện kinh doanh “bóng cười”.

Thực tế, đã có những trường hợp sử dụng “bóng cười” cùng với các chất kích thích khác như ma túy, thuốc lá, rượu… gây ảo giác, mất kiểm soát năng lực, hành vi, gây nguy hiểm cho xã hội và cá nhân người sử dụng, thậm chí tử vong.

Biết sử dụng “bóng cười” có khi mất mạng, nhưng một số bạn trẻ vẫn đua đòi sử dụng. Và có cầu ắt có cung, việc xuất hiện ngày càng nhiều các ổ nhóm sang chiết “khí cười” là do nhu cầu tiêu thụ của người sử dụng. Cùng với đó, để thu hút khách tới sử dụng dịch vụ, quán bar, cơ sở kinh doanh có điều kiện đã lén lút bán “bóng cười”. Mặc dù các lực lượng chức năng liên tiếp bắt quả tang, xử lý chủ các cơ sở kinh doanh giải khát, quán bar, vũ trường về hành vi kinh doanh “bóng cười”, tuy nhiên, do ngụy trang dưới nhiều vỏ bọc, hoạt động mua bán “bóng cười” vẫn tồn tại.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có giải pháp xử lý mạnh tay, không để nơi thì chặt nhưng có nơi lại buông lỏng, địa bàn nào làm mạnh thì di chuyển sang địa bàn khác… Cùng với đó, gia đình và xã hội, nhất là các bạn trẻ, thanh, thiếu niên cần có nhìn nhận rõ ràng tác hại của khí N2O, để ngăn chặn hậu quả khôn lường từ “bóng cười”

Trung tá Hà Quyết Thắng – Trưởng Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Việc kiểm tra, xử lý “bóng cười” rất khó khăn, do các cơ sở dùng nhiều biện pháp để đối phó. Thậm chí, nhân viên các quán bar đã “quen mặt” cán bộ, chiến sĩ, nên khi được yêu cầu kiểm tra, cơ sở đã nhanh chóng cất giấu. Bên cạnh việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhạy cảm về an ninh trật tự ký cam kết không vi phạm các hành vi liên quan đến ma túy, “bóng cười”, chúng tôi chủ động nắm tình hình địa bàn, đồng thời đề nghị người dân tố giác khi phát hiện để lực lượng chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý”.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích