Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch): Mạch nguồn đoàn kết dân tộc

Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch): Mạch nguồn đoàn kết dân tộc
Sáng nay 29/4 (10/3 âm lịch), Đoàn Hành lễ khởi hành lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương liên tục được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Các Vua Hùng được suy tôn chính là tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam.

Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành loại hình tín ngưỡng văn hóa tôn giáo đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của các thế hệ người dân Việt Nam, là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh dân tộc Việt. Đây cũng là biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử của mình.

Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này là một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng nghìn năm nay, Đền Hùng – nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, uy nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch): Mạch nguồn đoàn kết dân tộc
Sáng 29/4 (10/3 âm lịch) Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi lễ tại Đền Thượng trong Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Từ xa xưa Ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây.

Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “Uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL – CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.

Năm 1995, ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa Thông tin – Thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).

Ngày 2/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch). Kể từ đây, ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Từ phía người dân, việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử. Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, mọi người dân Việt Nam đều nhận nhau là anh em, có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng.

Giá trị đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đó là giá trị giáo dục đạo đức truyền thống. Trong tâm thức người Việt Nam, Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị Tổ dựng nước của dân tộc Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm và lòng tự tôn, tự hào dân tộc.

Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự biến đổi nhất định để thích nghi với văn hóa dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, thậm chí đã được các hệ tư tưởng của các tín ngưỡng, tôn giáo khác bổ sung, hoàn chỉnh để trở thành tín ngưỡng mang tầm quốc gia, có những đóng góp giá trị tích cực và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích