Đại học Xây dựng Hà Nội: Chủ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng

(Xây dựng) – Để có được một đội ngũ chất lượng phục vụ cho ngành Xây dựng, các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trong cả nước đã luôn nỗ lực trong việc đào tạo những cán bộ, kỹ sư, người thợ có chuyên môn vững vàng. Trong đó, trường Đại học Xây dựng Hà Nội luôn là một trong những trường đứng đầu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng.

Đại học Xây dựng Hà Nội: Chủ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng
Bộ Xây dựng và trường Đại học Xây dựng Hà Nội thường có những buổi gặp gỡ để trao đổi về lĩnh vực đào tạo nguồn lực cho ngành Xây dựng.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trở thành trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, một trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, có vị thế vững chắc ở Việt Nam và có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều trường đại học, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã và đang có mặt trên mọi miền đất nước, từ các công trường xây dựng đến các nhà máy, xí nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương.

Trường Đại học Xây dựng không những là trường hàng đầu trong giáo dục và nghiên cứu về lĩnh vực xây dựng dân dụng và từng bước hội nhập vào hệ thống đại học khu vực và toàn cầu. Trường đã liên tục duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế, ký biên bản thỏa thuận với các trường Đại học quốc tế và các tổ chức từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Để góp phần thúc đẩy, nâng cao tính hiệu quả và tự chủ của hoạt động khoa học công nghệ, thời gian tới, nhà trường tiếp tục nâng cao công tác phát triển nhân lực khoa học công nghệ nhằm đảm bảo sự phát triển một cách bền vững, có tính kế thừa, đồng thời hình thành thêm các nhóm nghiên cứu đa ngành, phát huy thế mạnh là một trường đại học đa ngành trong lĩnh vực Xây dựng.

Ngoài ra, trường luôn tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm, thư viện khoa học công nghệ bằng nguồn kinh phí Nhà nước và kinh phí của Nhà trường; nâng cao vai trò tự chủ của các khoa trong việc tổ chức triển khai các hoạt động khoa học công nghệ.

Đơn cử, cuối năm 2022 trường đã khánh thành, trung tâm đào tạo thực hành HUCE – GREE là dự án hợp tác giữa trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) và Công ty TNHH Điều hòa GREE Việt Nam (GREE). Trung tâm sẽ góp phần tăng cường năng lực cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, phục vụ các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các bộ môn trực thuộc Khoa Kỹ thuật Môi trường trong lĩnh vực thông gió, điều hòa không khí, môi trường xây dựng và tiết kiệm năng lượng; đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa kiến thức lý thuyết và hoạt động thực hành cho sinh viên chuyên ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình.

Trong năm học 2021-2022, trường Đại học Xây dựng Hà Nội có quy mô đào tạo là 19.216 sinh viên, học viên và công nhận tốt nghiệp cho 2.327 sinh viên. Trường duy trì phát triển các chương trình liên kết đào tạo đã có và triển khai thêm một số mô hình liên kết đào tạo mới ở cấp đào tạo đại học và thạc sĩ , gồm Đại học Mississippi (Hoa Kỳ), Đại học Huddersfield (Anh Quốc), Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU) và Đại học Khoa học ứng dụng( CHLB Đức), Đại Học LLinois at Chicago…

Ngoài ra, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng liên kết chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng của các tỉnh, thành trong cả nước để cùng nhau phối hợp thực hiện nhiều các dự án nghiên cứu khoa học công nghệ, như dự án SATREPS “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam”.

PGS.TS Phạm Duy Hoà – Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, với sự chỉ đạo và quan tâm từ Bộ Xây dựng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã có nhiều hoạt động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng hiệu quả trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học đóng góp cho sự phát triển chung của ngành Xây dựng, cũng như phát triển các lĩnh vực công tác của trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Nhiều lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng cũng như cập nhật quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn trong công tác giảng dạy của Nhà trường và liên quan đến lĩnh vực Xây dựng đều là những vấn đề cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng. PGS.TS Phạm Duy Hoà mong muốn sự hợp tác giữa trường Đại học Xây dựng và Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích