Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự với 5 nhóm chính sách

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn, cùng với việc nghiên cứu, bổ sung chính sách mới, Bộ Tư pháp đã kế thừa những quy định hiện hành còn phù hợp của pháp luật THADS; rà soát các quy định pháp luật khác có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; thể chế hóa Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục THADS, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; sửa đổi, bổ sung các quy trình tổ chức thi hành án nhằm rút ngắn thời gian thi hành án, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức…

Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự với 5 nhóm chính sách
Toàn cảnh cuộc họp.

Bộ Tư pháp cũng tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trên cơ sở có chọn lọc, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam và tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn liên quan đến THADS thông qua việc tổ chức nghiên cứu 5 đề tài cấp Bộ về các nội dung có liên quan và tổ chức các buổi Hội thảo, tọa đàm. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Đề nghị xây dựng Luật THADS (sửa đổi) gồm 5 chính sách: Quy định đầy đủ phạm vi bản án, quyết định do cơ quan THADS tổ chức thi hành, hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản trong THADS; hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác; hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS; hoàn thiện trình tự, thủ tục THADS; đảm bảo nguồn lực để tổ chức THADS.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích