Rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong sửa đổi 8 luật

Cơ bản thống nhất với các nội dung Chính phủ trình

Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với đó, việc sửa đổi một số điều của 8 luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, qua thảo luận, các đại biểu đã phát biểu cơ bản thống nhất với các nội dung Chính phủ trình, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị rà soát để các các quy định được sửa đổi, bổ sung lần này đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong từng luậdt được sửa đổi.

Rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong sửa đổi 8 luật
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ.

Cụ thể, theo bà Mai, đối với Luật Đấu thầu, nhiều đại biểu mong muốn ngoài những nội dung sửa đổi như Chính phủ đề xuất, cần phải rà soát thêm để đưa vào sửa đổi một số nội dung hiện vẫn còn vướng mắc trong quá trình thực thi luật. Đối với Luật Đầu tư, các đại biểu đề nghị đặc biệt chú ý đến kỹ thuật lập pháp, đảm bảo tính thống nhất với các luật khác có liên quan.

Với việc sửa khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở, trong quá trình thực thi là phân cấp phân quyền và trong quá trình tổ chức thực thi có giám sát nhưng nếu chúng ta không thận trọng thì cũng dễ phát sinh những bất cập cần lường trước, nhận diện rõ…

Tăng cường giám sát

Cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi góp phần tạo bình đẳng cho các nhà đầu tư có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là trong triển khai các dự án nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nêu thực tế tại Hà Nội và nhiều địa phương khác khi một số dự án đất văn hóa có giá thấp nhưng khi chuyển đổi mục đích sang dự án xây nhà ở thương mại thì giá đất lại tăng lên rất cao so với thị trường. Điều này có thể gây thất thoát tài sản của Nhà nước, bởi theo quy định giá đất của các dự án văn hóa còn thấp; do đó, phân cấp, phân quyền thì phải tăng cường giám sát các dự án này để bảo đảm hiệu quả.

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho biết, đất đai là tài sản lớn của Nhà nước nên cần thận trọng bởi nhà đầu tư có thể chuyển đổi mục đích sử dụng bất cứ loại đất nào khi có nhu cầu để thực hiện các dự án nhà ở thương mại. Điều này có thể dẫn đến việc thất thu tài sản của Nhà nước, rồi những tác động khi chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang các dự án khác.

Rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong sửa đổi 8 luật
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng, đất đai là tài sản lớn của Nhà nước nên cần thận trọng khi sửa đổi các quy định liên quan.

Chưa có sự đồng thuận cao thì không đưa vào dự án luật lần này

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cũng nhất trí với việc ban hành luật để sửa đổi nhiều luật và cho rằng, mỗi kỳ của Quốc hội cần có một luật để sửa nhiều luật như hiện nay để kịp thời giải quyết các bất cập từ quá trình triển khai trong thực tiễn.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương để các dự án được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng các địa phương “đá bóng” lên Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo quá nhiều dự án, văn bản như hiện nay.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng), từng Dự án Luật cần sửa đổi, bổ sung cần tiếp tục được rà soát kỹ nhằm thể hiện rõ đó là những chính sách thực sự cấp bách, cần thiết và những vấn đề lớn, phức tạp, chưa rõ, chưa có sự đồng thuận cao thì không đưa vào dự án luật lần này.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cũng cơ bản nhất trí với phương án do Chính phủ trình về sửa đổi Luật Đầu tư công, nhất trí đẩy mạnh phân quyền từ thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ sang thẩm quyền của bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương và HĐND cấp tỉnh đối với các dự án nhóm B và nhóm C sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết, nhằm thống nhất với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như ý kiến của Uỷ ban Tài chính ngân sách đã thẩm tra. Tuy nhiên, cần quy định rõ ràng hơn về quy trình, thời hạn cũng như cách thức để Thủ tướng Chính phủ tiến hành thủ tục thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài này.

Rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong sửa đổi 8 luật
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu tại tổ.

Về sửa Luật Đầu tư, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị Dự thảo chỉnh lại cụm từ “dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên” thành “dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 250 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên” tại điểm g khoản 1 Điều 31 và sửa thành “dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 250 ha và quy mô dân số dưới 50.000” tại điểm b khoản 1 Điều 32.

Về sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở), đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng, phương án sửa phải bao quát hết các hình thức nhà đầu tư có quyền sử dụng đất trên thực tế để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy định của Luật Nhà ở và Luật Đất đai, bao gồm 3 trường hợp: Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; Có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở; Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở.

Các hình thức sử dụng đất trên phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai (loại trừ các trường hợp: Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật).

Sau khi được chấp thuận nhà đầu tư thì nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại và hoàn thành nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai…

Nhiều đại biểu cùng cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, thể hiện sự quyết tâm, hành động của Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thể chế cho doanh nghiệp nhanh nhất có thể.

Phương Thảo – Nguyễn Công

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích