Phục hồi chuỗi cung ứng bằng công nghệ logistics đột phá

Ứng dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ vận tải

Những vấn đề mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn giãn cách xã hội đã chứng minh tầm quan trọng của việc xây dựng một chuỗi cung ứng vững mạnh và phát triển logistics theo hướng bền vững, có giá trị lâu dài.

Phục hồi chuỗi cung ứng bằng công nghệ logistics đột phá
Các chuyên gia tại Tọa đàm “Phục hồi chuỗi cung ứng bằng công nghệ logistics đột phá”.

Tại Tọa đàm “Phục hồi chuỗi cung ứng bằng công nghệ logistics đột phá”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, cho biết, dịch Covid-19 bùng phát trong thời gian qua đã gây ra đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, cùng lúc ảnh hưởng tới cán cân ngành xuất nhập khẩu. 19 tỉnh miền Nam chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, và trong thời gian chống dịch vừa qua, nhiều doanh nghiệp tại đây phải tạm ngừng sản xuất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Trong đó, giãn cách xã hội khiến các doanh nghiệp vận tải ở phía Nam có số lượng xe lớn bị thiệt hại. Từ góc độ quản lý nhà Nước, ông Trần Thanh Hải cho rằng, cần phát triển vận tải ở các hình thức khác không chỉ là xe mà có thể là đội tàu bay hoặc đội container, giúp các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiến nhanh và tiến xa hơn.

Đứng ở góc nhìn doanh nghiệp logistics, ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, giãn cách xã hội cũng đã tạo ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics, giá cước vận tải tăng từ 3 – 5 lần, thời gian vận chuyển hàng hóa tăng gấp đôi, bên cạnh đó, một bộ phận nhân sự của doanh nghiệp logistics phải làm việc tại nhà trên nền tảng công nghệ lạc hậu, khó có thể đảm bảo năng suất làm việc. Dịch vụ logistics là một dịch vụ thiết yếu, cũng đã duy trì huyết mạch vận chuyển hàng hóa trong nền kinh tế, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ mới trong ngành Logistics hoàn toàn có thể tạo nên những hiệu quả tốt hơn giữa thời điểm dịch bệnh như hiện nay, ông Trần Chí Dũng- Trưởng Ban Công nghệ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)cho rằng, công nghệ bây giờ không phải là nên hay không nên mà là giải pháp bắt buộc. Chúng ta đi từ cái vĩ mô tức là làm sao để phát triển bền vững, tạo ra giá trị cho các bên liên quan bằng rất nhiều giải pháp đồng bộ.

Để giải quyết những khó khăn của lĩnh vực logistics trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, phải ứng dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ vận tải, giải pháp giúp kết nối các bên như chủ hàng, chủ xe, lái xe, các nhà phân phối và các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng…

Kết hợp yếu tố con người trong logistics

Cũng theo các chuyên gia, mặc dù tốc độ công nghệ hóa của ngành lên tới 40%/năm, nhưng để có thể tận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất thì yếu tố con người, đội ngũ vận hành công nghệ vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, vấn đề phát triển chuỗi cung ứng bền vững cũng cần phải được quan tâm, với những giải pháp công nghệ vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm chi phí, từ đó giúp các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiến nhanh và tiến xa.

Trên thực tế, ở các nước phát triển như Singapore, Australia… cũng đã và đang ứng dụng các công nghệ và phần mềm để giải quyết vấn đề đơn giản hóa thủ tục di chuyển trên đường.

Là một doanh nghiệp thương mại điện tử phụ thuộc nhiều vào vấn đề logistict, ông Trần Tuấn Anh – đại diện Shopee cho biết, thương mại điện tử, trên lý thuyết là bán hàng online, nhưng đối với các doanh nghiệp, các shop thì đó là một kỹ năng không đơn giản. Từ cách vận hành, cách làm, tiếp thị, quản lý sản phẩm, vận hành kho bãi… đều tương đối mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp hầu như không có kinh nghiệm về thương mại điện tử từ công nghệ đến cách vận hành.

Chính vì vậy, trong quá trình vận hành sàn thương mại điện tử, Shopee đã phải định hướng và hướng dẫn đối với các khách hàng kinh doanh, không chỉ là khách hàng kinh doanh nhỏ lẻ mà cả những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành. Sự thành bại của rất nhiều doanh nghiệp khi lên sàn thương mại điện tử phụ thuộc vào khả năng vận hành của chính họ.

“Thực tế thì thương mại điện tử không chỉ quan trọng ở online mà ofline cũng rất quan trọng, ví dụ như mua bán trên mạng rất tốt nhưng không giao được hàng tới tay người tiêu dùng, đó là một thử thách rất lớn. Theo tôi nên có những cơ thế đặc biệt cho thương mại điện tử để shiper có thể vận hành, cung ứng sản phẩm và dịch vụ đến với người tiêu dùng một cách thuận lợi hơn. Sự thật là hiện tại Shopee có rất nhiều nhà kinh doanh đến với chúng tôi, nhưng chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc cung ứng tới người tiêu dùng do cầu nối đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Hiện nay, ở một số thành phố đã có những chính sách tháo gỡ rồi, tuy nhiên tôi cho rằng, nên có những chính sách cho shiper hoạt động thuận lợi hơn, phù hợp với quy định phòng, chống dịch”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Nếu như việc tích hợp công nghệ vào hệ thống chuỗi cung ứng trước kia được cho là chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn có nguồn lực đủ mạnh, thì hiện nay, một số công ty đã cung cấp nhiều giải pháp thuận tiện và đơn giản hơn, đặc biệt là tiết kiệm chi phí, giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm nỗi lo về vấn đề tài chính khi muốn cải thiện chuỗi cung ứng của mình. Những giải pháp này được phát triển dưới dạng các “module,” mỗi module đáp ứng một nhu cầu khác nhau của doanh nghiệp, và có thể dễ dàng “gắn” vào hệ thống hiện có một cách liền mạch, giúp tối ưu hóa mạng lưới, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ tự động hóa, sắp xếp hợp lý các nguồn lực trong chuỗi cung ứng một cách hiệu quả hơn.

Bà Cao Thị Anh Thư – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Loglag đã chia sẻ về kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp mình khi sử dụng phần mềm kết nối chủ xe, chủ hàng và các lái xe, giúp cho hoạt động thông suốt hơn trước các hạn chế của chỉ thị chống dịch đối với ngành vận tải. Ông Phạm Hưng – Chuyên gia Tư vấn tại TMX Global cũng chia sẻ về phần mềm TMS với 4 tính năng chính, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp logistics cả quy mô nhỏ và lớn có thể tự động hóa quy trình điều phối vận tải, giúp giảm thời gian di chuyển của xe cũng như tối ưu chi phí cho công tác vận hành của doanh nghiệp. Ông Callum Maxwell – Chuyên gia Cao cấp Supply Chain TMX Global cho rằng, Việt Nam cũng cần phổ biến các công nghệ tương tự trong thời gian sớm nhất để tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp logistics trở lại trạng thái bình thường.

Một số ứng dụng công nghệ phục vụ chuỗi cung ứng và logistics như tối ưu hóa thời gian của người vận chuyển và xác thực địa chỉ tự động giúp giảm sai sót trong định vị địa chỉ giao nhận; xây dựng và tự động hóa quy trình thông qua tối ưu hóa lịch trình và phân bổ tuyến đường xe tải, tàu hoả, máy bay; hay giúp tiết kiệm thời gian với khả năng hiển thị theo thời gian thực cho từng đơn vận chuyển và số hóa các quy trình trên giấy…

Có thể nói, công nghệ trong chuỗi cung ứng và logistics hiện nay là một trong những giải pháp tối ưu nhất giúp doanh nghiệp trang bị được nền tảng tốt hơn để phục hồi và thích ứng với những tình huống không thể lường trước như dịch bệnh, cũng như đáp ứng những nhu cầu thay đổi của thị trường./.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích