Phát triển xuất bản thành ngành kinh tế – công nghệ hiện đại
Ngành xuất bản phát triển vượt bậc trên cả 3 lĩnh vực
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu vinh dự và tự hào được nghe Thư chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Ngành (10/10/1952 – 10/10/2022). Trong Thư viết: “Trong suốt 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động làm công tác xuất bản, in và phát hành sách đã luôn luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và đông đảo bạn đọc tin tưởng và mong rằng, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, luôn luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đồng chí Võ Văn Thưởng , Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại lễ kỷ niệm |
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chúc mừng và biểu dương, ghi nhận những kết quả, thành tựu rất đáng tự hào mà ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua.
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng cho biết, Đảng ta đã xác định, xuất bản là lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là bộ phận quan trọng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hoạt động xuất bản phải coi trọng phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh xây dựng ngành xuất bản là ngành kinh tế – công nghệ, phát triển toàn diện, vững chắc.
70 năm qua, ngành xuất bản đã phát triển vượt bậc trên cả 3 lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Hệ thống các nhà xuất bản ổn định, năng lực, trình độ của những những người làm xuất bản có nhiều tiến bộ, chất lượng, nội dung xuất bản phẩm không ngừng được nâng lên, chất lượng chính trị, văn hoá, tính định hướng và kỹ thuật nghiệp vụ của xuất bản được tăng cường, góp phần quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Các ấn phẩm ngày càng đa dạng, từ sách in truyền thống đến sách điện tử, sách nói, sách áp dụng trí tuệ nhân tạo… Lĩnh vực in ngày càng phát triển, tiệm cận trình độ khu vực và thế giới. Lĩnh vực phát hành có bước tiến đáng kể đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền, nhiều tác phẩm của Việt Nam đã đến với bạn bè quốc tế.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao biểu trưng cho 5 cán bộ lão thành tiêu biểu |
Ngành xuất bản đã phát huy tốt vai trò trong việc lưu giữ, tích luỹ, truyền bá tri thức, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
“Qua 70 năm xây dựng và phát triển, để ngành xuất bản có những thành tựu to lớn như hôm nay là xương máu hi sinh của bao thế hệ nhân viên toàn ngành trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, là những nỗ lực, bền bỉ, liên tục tìm tòi, nghiên cứu, không ngại khó khăn phát huy bản lĩnh trí tuệ luôn đổi mới, sáng tạo của đội ngũ những người làm xuất bản cả nước trong các thời kỳ”, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Hoạt động xuất bản phải kịp thời thích ứng, chuyển đổi
Bên cạnh những thành tựu đạt được rất đáng tự hào, ngành xuất bản vẫn cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để giải quyết những vấn đề đang đặt ra. Đó là: Năng lực của một số nhà xuất bản còn hạn chế, chưa chủ động tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tìm hướng đi phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Còn thiếu những tác phẩm có giá trị xứng tầm với sự nghiệp, công cuộc đổi mới của đất nước, chưa thực sự góp phần thực hiện tốt sứ mệnh soi đường cho nhân dân trong việc kiến tạo các giá trị và lối sống lành mạnh, tiến bộ. Một bộ phận những người làm xuất bản còn hạn chế về kiến thức, năng lực, bản lĩnh chính trị chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Tình trạng vi phạm bản quyền, vi phạm quyền tác giả chưa được khắc phục triệt để, chưa tạo được cơ chế hữu hiệu để động viên, khích lệ các tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu sáng tác và công bố tác phẩm.
Thời gian tới bên cạnh thời cơ, thuận lợi, ngành xuất bản phải đối mặt với nhiều thách thức, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, sứ mệnh của ngành, Thường trực Ban Bí thư nêu một vài gợi ý để ngành xuất bản quan tâm thực hiện.
Ngành xuất bản phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vai trò của sách, sự cần thiết phải đọc sách. Học từ sách để có thêm tri thức, trình độ, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Muốn có đông bạn đọc phải không ngừng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, có nhiều đầu sách hay, giá trị.
Các đại biểu là những điển hình tiêu biểu, tấm gương trong lao động và công tác, có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động xuất bản, in và phát hành nhận Bằng khen tại lễ kỷ niệm |
Để có sách hay, sách đẹp, thiết thực, đòi hỏi đội ngũ những người làm xuất bản phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu tiếp thu văn hoá tinh hoa dân tộc và nhân loại, bám sát hơi thở cuộc sống, ứng dụng khoa học công nghệ, đề cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Mỗi tác phẩm khi xuất bản phải lấy việc phục vụ quốc gia dân tộc là mục đích cao nhất, không chỉ cung cấp tri thức mà còn cổ vũ, khuyến khích cái tốt, hướng con người đến chân – thiện – mĩ, phê bình những thói hư, tật xấu, khơi dậy khát vọng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ cho người đọc.
Hoạt động xuất bản kịp thời thích ứng, chuyển đổi lựa chọn cách thức, mô hình hoạt động phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, kinh tế xuất bản phải trở thành kinh tế – công nghệ hiện đại, là một bộ phận trong nền kinh tế thị trường. Ngành xuất bản phải đổi mới tư duy, có giải pháp đồng bộ để giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành như đổi mới mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị, có chính sách thu hút đầu tư cho ngành xuất bản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin, tri thức, hưởng thụ văn hoá của người dân trong thời kỳ mới trước sự cạnh tranh gay gắt của phương tiện nghe nhìn hiện đại.
Cơ quan chỉ đạo quản lý, cơ quan Cục Xuất bản cần chủ động rà soát, nghiên cứu tham mưu, bổ sung hoàn thiện chủ trương, chính sách trong lĩnh vực xuất bản, đảm bảo quy tắc lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của tổ chức Hội đối với hoạt động xuất bản, tạo hành lang pháp lý, cơ chế phù hợp, thuận lợi để ngành xuất bản phát triển, đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho hoạt động xuất bản đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động in, phát hành, bảo vệ bản quyền, quyền tác giả, xử lý nghiêm tình trạng in sách lậu, tạo lập môi trường xuất bản lành mạnh.
Đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành xuất bản có chuyên môn nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với ngành xuất bản trong thời kỳ mới.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức trao tặng biểu trưng cho 5 đồng chí lão thành là những đại biểu có nhiều thành tích, cống hiến cho ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam; trao tặng Bằng khen cho 81 đại biểu là những điển hình tiêu biểu, tấm gương trong lao động và công tác, có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách thời gian qua. Trong khuôn khổ các hoạt động của lễ kỷ niệm, vào sáng ngày 10/10, các đại biểu đã đặt vòng hoa báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã gặp mặt, chúc mừng đại biểu người làm xuất bản tiêu biểu tại Nhà Quốc hội. Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội gặp mặt, giao lưu với đại biểu. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô