Phát huy truyền thống bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau xây dựng môi trường hòa bình

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc diễn ra cách đây tròn 45 năm. Khi đất nước vừa bước ra từ hai cuộc chiến tranh, còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn do tàn dư chiến tranh để lại, thì toàn dân tộc lại bước vào một cuộc chiến đấu đầy cam go, thách thức để bảo vệ toàn vẹn biên giới, chủ quyền Tổ quốc.

3h30 ngày 17/2/1979, quân đội Trung Quốc bất ngờ sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ Việt Nam, sau đó huy động 600.000 quân, hơn 500 xe tăng, xe bọc thép, hàng nghìn khẩu pháo các loại tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam dài hơn 1.400km. Hướng tấn công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng là Quảng Ninh và Hà Tuyên.

Phát huy truyền thống bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau xây dựng môi trường hòa bình
Bị tấn công bất ngờ, nhưng quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu bảo vệ toàn vẹn biên giới của Tổ quốc (Ảnh Tư liệu)

Trước tình cảnh Tổ quốc bị xâm lăng, một lần nữa, quân và dân Việt Nam không còn con đường nào khác là buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, khẳng định quyền tự vệ chính đáng của mình. Vậy là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc chính thức bắt đầu.

Phát huy tinh thần độc lập, khát vọng tự do và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của tổ tiên để lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, mặc dù phải đối mặt với đội quân lên tới 600.000 người, lại được trang bị khí tài hiện đại, trong bối cảnh quân đội ta đang dồn lực lượng cho mặt trận biên giới Tây Nam và Campuchia, nhưng quân đội ta, nhân dân các địa phương miền núi phía Bắc vẫn anh dũng chiến đấu, bẻ gãy các cuộc tiến công của địch, làm suy yếu lực lượng đối phương và dần đẩy lùi quân địch. Đến ngày 18/3/1979 Trung Quốc hoàn toàn rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra trong vòng một tháng. Tuy nhiên, những xung đột còn kéo dài trong 10 năm sau đó, cho đến năm 1989. Những năm đó, Trung Quốc vẫn duy trì quân đội áp sát biên giới Việt Nam, thường xuyên gây tình trạng căng thẳng, tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, thực hiện kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Phải đến tháng 10/1989, khi Trung Quốc rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Việt Nam, quân đội chủ lực của hai bên cũng rút khỏi đường biên giới hai nước, các hoạt động chiến tranh mới thật sự chấm dứt.

45 năm đã trôi qua, nhìn lại chiều dài của lịch sử dân tộc, thêm một lần nữa khẳng định: Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình; muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Song trong bất luận hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không chấp nhận thân phận nô lệ, không để ngoại bang xâm lược lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Chúng ta có thể hy sinh, mất mát nhưng sự chính nghĩa luôn chiến thắng; Đất nước luôn vẹn toàn, như lời bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam Vua Nam ở/Rành rành định phận bởi sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời’!

Với phương châm hướng tới tương lai để cùng nhau phát triển, thực hiện đường lối của hai Đảng, Nhà nước, trong 33 năm qua kể từ khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ (1991 – 2024), mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc ngày càng tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực chính trị – kinh tế – văn hóa… Trung Quốc là một trong 6 quốc gia có mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, hợp tác kinh tế – thương mại biên giới, cửa khẩu của hai bên không ngừng tăng trưởng với kim ngạch thương mại chiếm khoảng 85% tổng kim ngạch hàng hóa qua biên giới giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng….

Quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu. Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc quyết tâm gìn giữ, vun đắp mối quan hệ truyền thống tốt đẹp; góp phần vì hòa bình trong khu vực và thế giới. Với nỗ lực và sự hợp tác của hai bên, tình hình biên giới và khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc được duy trì ổn định, đường biên và hệ thống mốc quốc giới được giữ vững, an ninh, trật tự được bảo đảm. Nhiều hoạt động ý nghĩa như kết nghĩa, giao lưu văn hóa giữa hai nước; nhân dân khu vực biên giới hai bên tích cực giúp nhau, hợp tác và phát triển kinh tế, là cầu nối của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước và nhân dân biên giới.

Phát huy truyền thống bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau xây dựng môi trường hòa bình
Chăm lo gia đình các chiến sĩ, liệt sĩ, gia đình các thương, bệnh binh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nói chung, đồng bào dân tộc các tỉnh biên giới nói riêng, trong đó có Hà Giang luôn được Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền các địa phương quan tâm. (Ảnh: CAHG)

…Cuộc chiến biên giới phía Bắc là một phần trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, nên Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của các anh hùng, liệt sĩ, nhân dân đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, giáo dục cho thế hệ trẻ và nhắc nhở tất cả các thế hệ người dân Việt hôm nay và mai sau phải trân trọng giá trị của hòa bình, xây dựng đất nước giàu mạnh, đủ sức đối phó với mọi tình huống, có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Những năm qua, cùng với việc tìm kiếm và quy tụ hài cốt liệt sĩ trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc về nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với thân nhân, gia đình liệt sĩ. Đáng chú ý là Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 và Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở các văn bản này, hàng chục vạn người trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc đã được giải quyết chế độ trợ cấp một lần; hàng trăm đối tượng được giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng.

Về kinh tế, nhiều năm qua Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế các tỉnh biên giới. Nếu có dịp ghé thăm các địa phương, đặc biệt những nơi từng bị chiến tranh tàn phá, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay. Kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại, đồng bộ; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Hôm nay, chúng ta đang sống những ngày đầu xuân của năm Giáp Thìn 2024, nhắc lại quá khứ là để tri ân những người đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc; để nhắc nhớ thế hệ hiện tại và mai sau truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và trách nhiệm với Tổ quốc, biết trân quý hòa bình. Chỉ có hòa bình mới mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người và sự hưng thịnh cho mỗi quốc gia, dân tộc.

Hà Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích